Mặc dù Ấn Độ đang dần là tâm điểm chú ý của nhiều hãng sản xuất lớn trong đó có Samsung nhưng quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn chưa thể thực hiện hóa được tham vọng mang tên "Make in India".
Hồi đầu tháng 7, thủ tưởng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại lễ khánh thành công ty TNHH Điện tử Samsung, nơi đặt nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với công suất lên tới 120 triệu sản phẩm/năm.
Modi cho rằng, cơ sở sản xuất của Samsung sẽ là động lực cực kỳ quan trọng cho sáng kiến "Make in India" của quốc gia hơn 1 tỷ dân. Sáng kiến này bao gồm thúc đẩy các mặt hàng được chế tạo và sản xuất tại Ấn Độ, qua đó đem lại 25% giá trị cho nền kinh tế Ấn Độ và tạo ra hàng triệu việc làm vào năm 2020.
Nhưng chỉ riêng những khoản đầu từ từ các công ty nước ngoài không đủ để tạo động lực cho Ấn Độ trong việc thực hiện hóa sáng kiến trên. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho thấy, quy mô sản xuất của ngành công nghiệp nước này vẫn tăng rất chậm kể từ khi Modi nhậm chức hồi 2014.
Mặc dù Ấn Độ đã vượt Pháp trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhưng giá trị sản xuất của nước này đã giảm chỉ còn 15% tổng GDP, so với mức tăng cao nhất lên tới 18,6% hồi năm 1995. Dữ liệu cho thấy, các khoản đầu tư mới tại Ấn Độ đã giảm mạnh và số lượng dự án bị đình trệ cũng đang gia tăng.
Vivek Dehejia, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Carleton, Ottawa cho biết: "Bước đi của Samsung là một động thái tốt nhưng nó giống như việc trăm năm mới xảy một lần vậy. 'Make in India' là một khát vọng lớn của chính phủ Modi. Tuy nhiên nếu như không có cơ sở hạ tầng hỗ trợ và môi trường kinh doanh thuận lợi, đó sẽ là một thách thức vô cùng lớn".
Sáng kiến Make in India là một nỗ lực đáng ghi nhận của Ấn Độ trong việc thu hút các công ty trên toàn cầu nhưng giới phân tích tin rằng, sáng kiến này không đủ mạnh để tạo ra một cuộc chuyển mình, phục hồi giá trị sản xuất hoặc thay đổi nền kinh tế định hướng dịch vụ của Ấn Độ.
Mô hình Make in India sẽ hoàn toàn khác Made in China
Khi mà Ấn Độ đang phải chật vật trên con đường thực hiện hóa tham vọng Make in India thì Trung Quốc đã và đang rất thành công với chiến lược "Made in China".
Cũng trong chiến lược Made in China tầm nhìn tới năm 2025, Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp robot và xe hơi dùng điện tái tạo. Ngược lại, tham vọng Make in India của Ấn Độ sẽ tập trung vào chiến lược xúc tiến đầu tư.
Một trong những bước đi quan trọng đầu tiên nhằm thực hiện hóa tham vọng Make in India của chính phủ Ấn Độ là việc nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng vào năm 2014
Tuy nhiên chỉ với những nỗ lực đó là không đủ. Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ nhận thấy, các khoản đầu tư cho các dự án mới đã giảm xuống chỉ còn 96,6 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018, tụt sâu so với con số 272 tỷ USD trong năm tài khóa 2015.
Sáng kiến Make in India và tham vọng trở thành "công xưởng" thế giới có khả thi?
Giá trị của các dự án bị đình trệ đã tăng từ mức 77 tỷ USD lên 111,1 tỷ USD trong cùng giai đoạn. Thậm chí theo dữ liệu từ Ngân hàng dữ trữ Ấn Độ cho thấy, chi tiêu vốn của các công ty đã giảm kể từ khi ông Modi lên nắm quyền.
Như vậy nếu tham vọng Make in India chủ yếu tập trung vào kêu gọi đầu tư cho các dự án mới thì với tình hình hiện nay, tham vọng đó đang gặp phải những trở ngại vô cùng lớn, mà nguyên nhân chủ yếu do vấn đề nội tại.
Mahesh Vyas, CEO Trung tâm kiểm soát kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho biết, dự án Make in India của chính quyền Modi vẫn chưa phát huy hiệu quả, một phần vì các công ty Ấn Độ đã đầu tư quá mạnh tay trong nhiều năm kể từ 2012, trước cả khi ông Modi lên nắm quyền. Và hiện giờ, quy mô ngành công nghiệp đã trở nên dư thừa.
Các dự án mới (đường màu đen) đã ngừng hoạt động và những dự án khác bị đình trệ kể từ khi ông Modi lên nhậm chức vào năm 2014.
Vyas khẳng định: "Bây giờ chúng ta cần chờ đợi những khoản đầu tư ban đầu ‘kết trái ngọt' trước khi đầu tư tiếp để thực hiện hóa tham vọng Make in India. Thế giới đang chạy theo chủ nghĩa bảo hộ và các nước có xu hướng giữ lại nguồn công việc cho nước mình thay vì xuất khẩu chúng sang các nước khác".
Hậu quả từ tình trạng này dẫn tới việc Ấn Độ trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn bao giờ hết. Hiện tại smartphone và TV đang là hai mặt hàng có nhu cầu lớn tại Ấn Độ, do đó không có gì lạ khi hàng điện tử đang đứng thứ hai về giá trị nhập khẩu chỉ sau dầu mỏ tại quốc gia này, qua đó càng làm cho cán cân thương mại của Ấn Độ bị thâm hụt sâu hơn.
Dù còn trì trệ nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được. Dưới triều đại của Modi, đầu tư nước ngoài trực tiếp đã chảy vào Ấn Độ rất nhiều. Hầu hết các khoản đầu tư vào Ấn Độ, ví dụ như khoản cam kết trị giá 5 tỷ USD của Amazon đều nhằm mục đích mở rộng hoạt động, đồng thời góp phần cải tiến ngành công nghệ và dịch vụ của quốc gia.
Ấn Độ bắt đầu khởi động sáng kiến Make in India kể từ tháng 9/2014. Với mục tiêu trở thành hình tượng chú sư tử hùng dũng, Ấn Độ mong muốn thoát khỏi hình ảnh con voi bệ vệ nhưng chậm chạp bấy lâu nay. Ngay sau khi khởi động sáng kiến, Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành quốc gia thu hút vốn FDI số một thế giới.
Tham vọng của chính quyền ông Modi là mở cửa mọi lĩnh vực của nền kinh tế, hút vốn đầu tư vào mọi lĩnh vực mà Ấn Độ có tiềm năng và cơ sở để thực hiện hóa, ví dụ như phần mềm, xe hơi, xây dựng, công nghiệp vũ trụ, năng lượng,…
Không chỉ ngành công nghiệp và các công ty trong nước được hưởng lợi, chính người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ cũng được hưởng lợi ích thông qua cơ hội việc làm rộng mở và sức mua thị trường tăng mạnh.
Hình ảnh biểu trưng cho tham vọng Make in India là một chú sư tử oai vệ
Tất nhiên để thực hiện hóa cái gọi là Make in India, Ấn Độ phải tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và phá dỡ các rào cản kinh tế, một trong những trở ngại chính khiến việc "hấp thụ" những công nghệ mới của Ấn Độ trở nên khó khăn.
Đối với mỗi quốc gia, sáng kiến "Make in…" luôn là cách hiệu quả nhất để nâng tầm vị thế. Và Ấn Độ cũng vậy, quốc gia hơn 1,2 tỷ dân và tiềm năng thị trường lớn có niềm tin rằng, Make in India sẽ trở thành đòn bẩy biến Ấn Độ trở thành một cường quốc và là "trung tâm chế tạo" toàn cầu trong tương lai.