Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, sự cố hacker tấn công hệ thống máy tính tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài chiều 29/7 cho thấy Việt Nam cần tăng cường bảo đảm an toàn thông tin.

Hành khách làm thủ tục check-in ở sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 29/7/2016. Ảnh: AP
Hành khách làm thủ tục check-in ở sân bay Nội Bài, Hà Nội ngày 29/7/2016. Ảnh: AP

Mới đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 (đề án 898) phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trong giai đoạn 2016-2020. Các cơ quan, tổ chức khi triển khai cần kết hợp hài hòa giữa việc đầu tư trang thiết bị và ban hành các quy trình quản lý, vận hành, tập huấn, diễn tập, khôi phục sau khi có sự cố.

“Trong môi trường mạng phát triển như hiện nay, không thể chắc chắn những cuộc tấn công như vậy còn diễn ra hay không; cũng không ai có thể ngăn chặn triệt để. Vì thế, cần nâng cao cảnh giác, đầu tư cả con người, kỹ thuật” - ông Tuấn nói. Nhấn mạnh rằng Việt Nam không thể bảo đảm an toàn thông tin nếu phụ thuộc vào một công nghệ hay doanh nghiệp cụ thể, ông Tuấn thừa nhận thực trạng các nhà mạng lớn sử dụng thiết bị Trung Quốc và có khả năng thiết bị công nghệ đó có lỗ hổng.

“Về luật, chúng ta chưa thể cấm hay phân biệt đối xử. Chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá và có chính sách kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ có yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn thông tin trong việc đấu thấu, mua sắm thiết bị đối với hệ thống thông tin quan trọng” - Bộ trưởng Tuấn nói. Ông cũng kêu gọi, trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, góp phần cùng Nhà nước giữ vững an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ tổ quốc trong mọi hoàn cảnh và trong tình hình mới.