Nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vừa chế tạo thành công thiết bị sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, an toàn với người dân.

Bánh tráng từ lâu đã là một món ăn truyền thống của người dân Việt Nam. Hiện nay, bánh tráng ở nông thôn vẫn được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công từ các hộ gia đình nhỏ, ít có cơ sở lớn sản xuất vơi dây chuyền chuyên nghiệp.

Việc phơi sấy bánh được thực hiện ngoài trời nên phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, thời gian phơi sấy bánh cũng kéo dài. Phương pháp phơi sấy truyền thống này dễ dẫn đến chất lượng bánh không ổn định, không đảm bảo vệ sinh do dễ bị bám bụi trong mùa nắng và ẩm mốc trong mùa mưa.

Tại nhiều địa phương, người dân đang dùng các lò sấy thủ công tự chế, sử dụng nhiên liệu phụ phẩm nông nghiệp như trấu, củi,… hoặc than để đốt cháy và lấy nhiệt sấy bánh trực tiếp. Tuy nhiên, phương pháp này lại gây ô nhiễm môi trường do đốt bừa bãi nhiên liệu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng như làm chất lượng bánh giảm, tăng chi phí đầu vào...

Thực tế nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ của khói thải từ lò bánh tráng là rất cao, từ 250 – 350 độ C. Do đó, nếu áp dụng KHCN, chế tạo một thiết bị sấy bánh tráng bằng không khí nóng, tận dụng được nhiệt thải từ lò tráng bánh nhằm tiết kiệm được năng lượng, giảm chi phí sản xuất và không phụ thuộc vào thời tiết là một vấn đề được nhiều người dân hết sức quan tâm.

Hiểu được vấn đề này, một nhóm sinh viên đến từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã cùng nhau lên ý tưởng cho dự án “Tận dụng nhiệt thải từ lò để sấy bánh tráng cho các hộ dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”.

Dự án này đã đạt giải cao nhất tại Holcim Prize 2015, cuộc thi tìm kiếm những đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích tại các trường ĐH – CĐ trong cả nước do Tập đoàn xi măng Holcim tổ chức.

Thiết bị sấy bánh tráng được chuyển giao tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
Thiết bị sấy bánh tráng được chuyển giao tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Bạn Nguyễn Thị Hà, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, về cấu tạo, thiết bị sấy bánh tránh có thiết kế như một tủ inox lớn, bao gồm hệ thống ống dẫn khói, buồng sấy nhiệt, quạt hút, bảng nhiệt kế và bộ gia nhiệt...

Về nguyên tắc hoạt động, khói từ lò tráng bánh theo hệ thống ống dẫn được đưa vào buồng sấy để nhả nhiệt, sau đó quay trở lại ống khói của lò tráng bánh và thoát ra ngoài. Không khí bên ngoài được quạt hút gió đưa vào bên dưới thiết bị trao đổi nhiệt, cùng với khói để trở thành không khí nóng và thổi vào thiết bị sấy.

Trong buồng sấy, bánh tráng đuợc đặt trên vỉ để giảm độ ẩm. Khi sấy, hơi ẩm này sẽ được thoát ra ngoài thông qua ống thải ẩm trên thiết bị.

Đào Thị Phượng, một thành viên khác của nhóm cho biết, với phương pháp truyền thống, muốn phơi một mẻ bánh tráng phải mất 1 ngày nếu trời nắng to. Với phương pháp này, trong vòng 1 tiếng, người dân có thể sấy được 24 chiếc bánh tránh.

“Do là quy trình khép kín, nên khi sử dụng, thiết bị này sẽ giúp giảm thiểu các tác động tới môi trường. Đồng thời, thiết bị này giúp người lao động hạn chế tiếp xúc với khói độc, an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu thụ bánh tráng. Từ đó, hướng đến một thị trường cung ứng bánh tráng “sạch” phục vụ cho các siêu thị, xuất khẩu ... làm tăng thu nhập cho người dân”, Phượng chia sẻ.

Được biết, vừa qua, sản phẩm đã được chuyển giao cho một số hộ dân tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bước đầu đã mang lại hiệu quả và được nhiều người dân đánh giá cao.