Một nhà sáng chế tại TP.HCM đã tạo ra chiếc bẫy chuột tự động liên hoàn, có khả năng bắt một số lượng lớn chuột trong một lần kích hoạt.
Ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới, chuột là loài động vật nguy hiểm, gây ra nhiều tổn thất về kinh tế trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong công nghiệp và nông nghiệp. Do đặc tính của mình, chúng thường gặm nhấm quần áo, sách vở, các vật dụng trong nhà hay làm đứt dây điện, chập mạch hệ thống điện, phá hoại hàng hóa, sản phẩm, mùa màng... Bên cạnh đó, chúng cũng là loài vật trung gian gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm.
Để bắt chuột, người ta đưa ra nhiều giải pháp bẫy bắt chuột bằng bẫy kẹp, bẫy lồng, keo dính chuột, bả chuột... Tuy nhiên, những biện pháp này phát sinh rất nhiều nhược điểm và đem lại hiệu quả không cao do phải thao tác đặt bẫy, kiểm tra, bắt chuột đi tiêu hủy bằng tay liên tục, không tiện lợi cho người dùng.
Với các loại bẫy lồng, khi sử dụng thường để lại mùi nên rất khó câu nhử ở các lần tiếp theo. Bẫy kẹp thì thường làm cho máu chuột văng ra, gây mất vệ sinh và truyền mầm bệnh sang cho con người. Trong khi các loại keo, bả diệt chuột sử dụng một lần xong là vứt đi, gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, nguy hiểm cho con người và các động vật thiên địch với chuột như chó, mèo...
Hiểu được những nhược điểm nói trên, anh Nguyễn Đình Phương, một nhà sáng chế tại TP.HCM đã mày mò nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm “Bẫy bắt chuột tự động” nhằm hạn chế những tác động xấu mà loài chuột gây ra.
“Đây thực chất là một hệ thống bẫy liên hoàn, hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy và vận hành dựa trên đặc tính của loài chuột. Do đó, chúng ta có thể bắt được nhiều chuột một cách tự động mà không cần phải thực hiện nhiều thao tác”, anh Phương chia sẻ.
Cụ thể, khi kích hoạt bẫy, hệ thống đòn bẩy sẽ giúp cửa lồng mở ra để chuột đi vào. Khi chuột bước vào cửa thứ nhất, một hệ thống lẫy sẽ tự động đóng cửa lại khiến chuột không thể quay ra ngoài. Tiếp theo đó, chiếc bẫy sẽ dẫn dụ chuột chui qua cửa thứ hai để tìm đường thoát thân. Lúc này, khóa chốt sẽ được kích hoạt để cánh cửa thứ nhất tiếp tục mở ra để dụ con chuột tiếp theo. Khi đã bước qua cửa thứ 2, bẫy sẽ tiếp tục dẫn dụ chuột đến cánh cửa thứ 3. Đây thực chất là lồng chứa chuột bắt được, được chia thành 2 tầng để tăng số lượng chuột bẫy được trong một lần.
Anh Phương cho biết, với độ nhạy tương đối lớn, chiếc bẫy cho phép bắt được những con chuột có trọng lượng từ 12g trở lên. Tùy kích thước và trọng lượng của chuột, bẫy có khả năng chứa được tối đa từ 12 – 20 con chuột 1 lần.
Đặc biệt, bẫy này có thể sử dụng để bắt tất cả các loại chuột, không phân biệt lớn nhỏ. Bên cạnh đó, không để lại mùi cũng như tạo sự nghi ngờ, lẩn tránh của chuột. Vật liệu sử dụng để chế tạo có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường với giá thành thấp, không gây tác động xấu đến môi trường cũng như con người, không làm lãng phí mồi nhử và có thể bắt được nhiều chuột trong một lần.
Anh Phương chia sẻ, để có thể làm được chiếc bẫy chuột tự động này, anh đã mất hơn 4 năm trời "cùng ăn, cùng ngủ" với loài chuột để tìm hiểu tập tính, thói quen của chúng. Với mỗi loại chuột, sẽ có những cách đặt bẫy rất khác nhau.
Chẳng hạn, với loài chuột nhắt (chuột nhà), bản tính của chúng tương đối tự tin, nên nhiều khi dù biết đó là bẫy, chúng cũng sẵn sàng lao vào vì nghĩ rằng mình sẽ thoát ra được. Còn loài chuột cống, chuột đồng thì đa nghi nhiều hơn, nếu không tạo cho chúng sự tin tưởng, chỉ cần có một chút nghi ngờ rằng đây chính là cái bẫy thì chúng không bao giờ bén mảng tới.
“Có nhiều hôm, để tìm hiểu tập tính của loài chuột, mình sẵn sàng ra ngoài bãi rác ở Bình Chánh, Hóc Môn ngủ để có thể quan sát chúng một cách dễ dàng hơn, vì đây là nơi mà chúng tập trung đông nhất. Nhiều người nói mình khùng, ngồi nghĩ lại thấy cũng đúng, ai đời có nhà không ở, lại đi ra bãi rác mà ngủ làm gì. Nhưng quả thực, khi đã làm sáng chế rồi, niềm đam mê thúc đẩy mình phải tìm tòi để đưa cái tốt nhất vào sản phẩm của mình. Bởi chỉ khi hiểu rõ được tập tính sinh hoạt, tìm mồi của chuột, thì những chi tiết trong sáng chế của mình mới phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao”.
Được biết, sáng chế “Bẫy bắt chuột tự động” hiện đang được anh Nguyễn Đình Phương mang đi dự thi Giải thưởng sáng chế TP.HCM lần thứ 4 năm 2015 – 2016. Sản phẩm đã nhận được sự đánh giá cao từ phía hội đồng giám khảo cũng như các doanh nghiệp có ý định đầu tư hợp tác chuyển giao công nghệ. Anh Phương cho biết, hiện mình đang phát triển thêm một hệ thống bẫy mới dùng để bẫy chuột cống, chuột đồng với những cơ chế như tự động rắc lúa dụ mồi, bẫy liên hoàn... hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao.