Theo Bộ Thương mại Mỹ, từ năm 2010 đến 2016, ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Theo đó, tập đoànTrung Quốc đã bán các thiết bị phần cứng và phần mềm sản xuất tại Mỹ cho Iran để xây dựng hạ tầng viễn thông. ZTE cũng bị buộc tội xuất khẩu 283 chuyến hàng bao gồm máy chủ và routers cho Triều Tiên vốn cũng là nước đang chịu lệnh cấm vận từ Mỹ.
Chính phủ Mỹ cho biết ZTE liên tiếp nói dối và đánh lừa các điều tra liên bang về vụ việc này trong 5 năm điều tra. Vụ việc bị phát giác sau khi Mỹ bắt được một chiếc laptop của một luật sư của ZTE có lưu trữ rất nhiều tài liệu cho thấy việc kinh doanh bất hợp pháp của tập đoàn này.
ZTE đã chịu mức phạt 892 triệu USD và thêm 300 USD treo trong 7 năm nếu công ty này không tuân theo pháp luật Mỹ.
Trong thông báo vừa phát đi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ZTE Zhao Xianming cho biết: “ZTE đã nhận thấy sai lầm của mình và chịu trách nhiệm vì những lỗi lầm đó. Công ty tiếp tục cam kết thay đổi tích cực”.
Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra nhằm vào ZTE từ năm 2012 sau khi truyền thông nước này công bố báo cáo về việc ZTE đã ký kết nhiều hợp đồng giá trị hàng triệu USD do các hãng công nghệ nổi tiếng của Mỹ chế tạo cho công ty viễn thông lớn nhất ở Iran.
Theo trang The Verge, vụ việc đối với ZTE đã kết thúc với mức phạt kỷ lục trong lịch sử Mỹ. Hiện tại, Bộ Thương mại nước này cho biết đang tiếp tục cuộc điều tra tương tự với công ty Huawei (Trung Quốc), là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ đã phát trát hầu toà đối với Huawei từ hồi tháng 6/2016, yêu cầu công ty này chuyển tất cả tài liệu về hoạt động xuất khẩu những công nghệ sản xuất tại Mỹ cho những nước thuộc diện cấm vận của nước này, gồm: Iran, Triều Tiên, Sudan, Syria, Cuba. Kết quả cuộc điều tra hiện vẫn chưa được công bố.