Vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi
Đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký hợp đồng để triển khai 6 nhiệm vụ thuộc 3 dự án KH&CN sản xuất vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi, gồm bệnh lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn và bệnh cúm gia cầm A/H5N1. Hiện Việt Nam đã sản xuất thành công 3 loại vắcxin này, trong đó vắcxin lở mồm long móng có doanh thu dự kiến trên 50 tỷ đồng/năm, sau năm 2017 có thể đạt trên 300 tỷ đồng/năm.
Thử nghiệm vắcxin trên chuột tại Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1. Ảnh: M.Tuấn
Vắcxin phòng bệnh cho người
Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Y tế đã phê duyệt và đưa vào triển khai 8 nhiệm vụ thuộc 6 dự án KH&CN sản xuất vắcxin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới ở quy mô công nghiệp, gồm vắcxin DPT có thành phần ho gà vô bào, vắcxin bại liệt bất hoạt, vắcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, vắcxin Hib cộng hợp, vắcxin thương hàn vi cộng hợp, vắcxin cúm mùa.
Trước tình hình bệnh dịch có xu hướng bùng phát trong khi vắcxin vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất, Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính xem xét ưu tiên việc cấp kinh phí sớm để nghiên cứu, sản xuất 6 thành phần của vắcxin “6 trong 1”, mục tiêu đến năm 2018 có sản phẩm thay thế vắcxin Quinvaxem đang phải nhập khẩu.
Hiện Việt Nam đã có thể chủ động sản xuất vắcxin Hib (Hib là loại vi khuẩn gây viêm phổi, viêm màng não mủ) ; vắcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero bằng công nghệ mới và hiện đại nhất với quy mô dự kiến 10.000.000 liều/năm, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; vắcxin bại liệt bất hoạt để thay thế vắcxin bại liệt uống, đảm bảo tiến trình phòng và thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Đồng thời, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã khắc phục được các mặt hạn chế của vắcxin sống uống giảm độc lực...
Thiết bị nâng - hạ có sức nâng lớn
Sản phẩm “Thiết bị nâng - hạ có sức nâng lớn” đã được Bộ KH&CN xem xét, ký hợp đồng triển khai dự án “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo và chế tạo cầu trục và cổng trục có sức nâng từ 50 tấn đến 1.200 tấn” gồm 3 nhiệm vụ do Xí nghiệp cơ khí Quang Trung chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện 24 tháng (từ 2/2015 – 2/2017).
Sản phẩm cổng trục - thiệt bị nâng - hạ cỡ lớn của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung.
Ảnh: M. Tuấn
Tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị chủ trì dự án đã hoàn thiện bộ hồ sơ thiết kế và chế tạo các cầu trục, cổng trục có sức nâng 350 tấn, 2x130 tấn và 1.200 tấn, đang hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ công nghệ và bộ tiêu chuẩn cơ sở của cầu trục 1.200 tấn.
Giàn khoan dầu khí di động
Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoàn cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng”.
Dự án này gồm 6 nhiệm vụ, do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) chủ trì thực hiện trong thời gian 24 tháng. Theo đó, sản phẩm của dự án là giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 05 có thể tiến hành khoan ở độ sâu dưới mực nước biển 120m (-120m). Tổng giá trị của giàn khoan là 230 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng).
Dự án tập trung xây dựng và hoàn thiện thiết kế cơ sở cho giàn khoan tự nâng 400ft trong trạng thái biển cực hạn tại vùng biển Việt Nam; hoàn thiện hồ sơ, tài liệu thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo thân, chân, đế của giàn khoan theo các tiêu chuẩn chuyên ngành trong nước và quốc tế, được chủ đầu tư chấp thuận sử dụng trong dự án đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05, được cơ quan đăng kiểm Việt Nam/quốc tế chấp nhận.
Dự án cũng hoàn thiện hồ sơ tính toán kiểm nghiệm độ ổn định tổng thể của giàn khoan tự nâng 400ft ở các trạng thái thi công hạ thuỷ, trạng thái nổi và di chuyển trên biển theo các tiêu chuẩn quốc tế.