Để có được sản phẩm quốc gia, góp phần phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam, không thể chỉ đơn thuần “rót” ngân sách mà còn phải huy động các nguồn lực ngoài xã hội. Tuy nhiên, khâu này đang được cho là có muôn vàn “nút thắt” cần tháo gỡ.

Những thành công bước đầu

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để thực hiện chuyên đề giám sát “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Một trong những nội dung được đề cập tại buổi làm việc là kết quả thực hiện chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Các nhà khoa học tại Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 thử nghiệm vắcxin trên chuột. Ảnh: Đình Tuấn
Các nhà khoa học tại Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 thử nghiệm vắcxin trên chuột. Ảnh: Đình Tuấn

Báo cáo đoàn giám sát, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ các Ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN - cho biết, các nhiệm vụ thuộc các dự án KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia được thực hiện từ năm 2014, đến nay đã bước đầu đạt một số kết quả.Theo đó, đã có 5 nhiệm vụ thuộc dự án sản xuất vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi đối với bệnh lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn và bệnh cúm gia cầm.

A/H5N1 được Bộ KH&CN ký hợp đồng triển khai. Mục tiêu của dự án là mỗi năm sản xuất từ 15-200 triệu liều vắcxin mỗi loại, đủ cung cấp cho việc phòng các bệnh kể trên trong toàn quốc.

“Tính đền nay, đã có 2 chủng giống gốc týp O và týp A được phân lập thành công, tạo được 1 chủng gốc để sản xuất giống virus vắcxin lở mồm long móng týp O. Vắcxin này đã có kết quả thử nghiệm ban đầu và đang tiến hành kiểm nghiệm. Về vắcxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn, đã tạo được 3 giống gốc để sản xuất, hồ sơ đang được hoàn thiện để thẩm định giống” - ông Hậu cho biết.

Việc triển khai các dự án KH&CN này sẽ giúp Việt Nam sớm làm chủ công nghệ tạo giống gốc, giảm nhập khẩu (giảm 20% đến năm 2017, 50% đến năm 2020) tiến tới chủ động hoàn toàn quy trình sản xuất các loại vắcxin kể trên. Dự kiến đến năm 2020, doanh thu đối với vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng týp O là 183 tỷ đồng/12,2 triệu liều, đối với vắcxin phòng bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn là 680 tỷ đồng/23,2 triệu liều, đối với vắcxin phòng bệnh cúm A/H5N1 là 82 tỷ đồng/205 triệu liều.

Bộ KH&CN cũng đã ký hợp đồng triển khai dự án KH&CN gồm 3 nhiệm vụ về sản phẩm thiết bị nâng - hạ có sức nâng lớn từ năm 2015. Các sản phẩm của dự án - gồm cầu trục 1.200 tấn, cầu trục trung gian 250 tấn, cổng trục chân đế 2x130 tấn và bán cổng trục có sức nâng 350 tấn - đang được lắp đặt và bàn giao phục vụ công trình Nhà máy thủy điện Lai Châu. Cầu trục dầm đôi do Xí nghiệp Quang Trung sản xuất với 90% số thiết bị nội địa được đánh giá cao về chất lượng, quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt, giá thành thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm nhập từ châu Âu. Doanh thu giai đoạn 1 của dự án này dự kiến là 670 tỷ đồng.

Không thể chỉ trông chờ ngân sách

Ông Nguyễn Đình Hậu cũng thẳng thắn thừa nhận, việc triển khai chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 còn chậm tiến độ so với dự kiến. Đặc biệt, sự huy động nguồn lực từ xã hội tham gia chương trình còn hạn chế. Trong một số trường hợp, sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và đầu tư sản xuất chưa thực sự được như mong muốn.

“Đến thời điểm hiện nay, số kinh phí được huy động từ các nguồn lực ngoài ngân sách vẫn hạn chế, ngoại trừ việc huy động kinh phí đầu tư đối với sản phẩm giàn khoan dầu khí là hơn 1 tỷ đồng. Để huy động thành công các nguồn lực khác, các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sự kết nối một cách đồng bộ ngay từ đầu giữa hoạt động nghiên cứu của các tổ chức KH&CN và nhà đầu tư sản xuất để các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp nhận kết quả nghiên cứu, đóng góp nguồn lực cho phát triển sản phẩm” - ông Nguyễn Đình Hậu cho biết.

Phân tích thêm về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Hậu cho rằng, các sản phẩm trong chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 đều có tính phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu cao về tính khả thi, đặc biệt khó nhất là hướng sản phẩm đến thương mại hóa. Do đó, các bộ, ngành đều cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu và giao nhiệm vụ cho các tổ chức chủ trì phát triển sản phẩm.

Ghi nhận các kết quả đã đạt được, song ông Phan Xuân Dũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ KH&CN cần chỉ đạo các đơn vị tham mưu hoàn thiện và làm rõ vai trò, hiệu quả cụ thể của các chương trình, dự án cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong báo cáo gửi đoàn giám sát để tổng hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 tới.