Trước thực trạng mỗi năm có hàng trăm ca thương tích do hái hồi, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã chế tạo máy thu hái hồi tự động với năng suất cao gấp 5 lần so với thu hái thủ công, kích thước gọn nhẹ, dễ vận chuyển.

Giảm tai nạn nghề nghiệp

Lạng Sơn là tỉnh có diện tích hồi lớn nhất cả nước với 33.503ha. Để thu hoạch hồi, bà con bao đời nay phải trèo cây để hái từng quả. Cây hồi cao từ 10-15m, cành giòn, rất dễ gãy. Hằng năm, Bệnh viên Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 150 ca tai nạn khi hái hồi.

Trước thực tế đó, thầy Tạ Văn Hữu - giáo viên môn công nghệ Trường THPT Chu Văn An - có ý tưởng chế tạo một chiếc máy hái hồi giúp bà con tăng năng suất và giảm tai nạn. Thầy trao đổi ý tưởng với hai học trò cưng là Hoàng Việt Bách (lớp 10) và Lương Gia Khánh (lớp 12); các em rất hứng khởi. Vậy là các buổi hội ý diễn ra thường xuyên sau giờ học với hàng trăm bản vẽ kỹ thuật, từ những nét nguệch ngoạc trên đất tới bản thiết kế trên máy tính.

Hằng năm, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 150 ca tai nạn khi hái hồi.
Hằng năm, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 150 ca tai nạn khi hái hồi.

“Ở Lạng Sơn, hồi được trồng chủ yếu trên địa hình đồi núi có độ dốc khoảng 25-30 độ, có nơi tới 40 độ. Do đó, yêu cầu đầu tiên là máy phải gọn, nhẹ, dễ mang vác, điều khiển và đảm bảo an toàn. Đã gọi là máy, tất nhiên năng suất phải cao hơn hái thủ công và phải đảm bảo chất lượng sản phẩm như hái thủ công, tức không được giập nát, vỡ cánh hoặc rơi vãi hao hụt” - thầy Hữu cho biết. Với những yêu cầu ấy, thầy và trò cần tính toán kỹ từ khâu chọn vật liệu, cấu tạo hình dáng đến sử dụng nguồn điện phù hợp.

Sau 3 tháng, máy thu hái hồi ra đời, cấu tạo gồm 3 phần: Đầu hái, cần hái và tay điều khiển. Điểm đặc biệt của máy là lôrăng - hộp tròn bên trong gắn những cái móc được bố trí so le trên một trục quay - để khi hái hồi không bị rụng lá, vướng cành. Cần hái làm bằng inox, có thể điều chỉnh chiều dài do cấu tạo theo kiểu ống luồn như ăngten đài bán dẫn, rất phù hợp với độ cao của cây. Cần hái rất nhẹ nên người dùng có thế cầm liên tục mà không bị mỏi.

Năng suất thu hái tăng 5 lần

Theo ông Nguyễn Minh Huấn - Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn, máy hái hồi kể trên có cấu tạo tương đối gọn nhẹ, nguyên lý hoạt động và vận hành đơn giản, dễ sử dụng. Bà con chỉ cần bật nguồn, bấm nút, đưa cần hái lên là máy hoạt động. Thiết bị có thể tháo lắp được nên việc vận chuyển lên rừng cũng dễ dàng.

“Bà con bao đời nay vẫn hái hồi theo cách thủ công, năng suất không cao, thương tích rất nhiều, thậm chí còn ảnh hưởng tới tính mạng. Máy hái hồi tự động sẽ giúp bà con hái nhanh hơn và quan trọng là đảm bảo an toàn. Trong 30 phút, máy có thể hái được 20kg hồi, trong khi hái tay chỉ được 4kg” - ông Huấn nói.

Máy hái hồi tự động của thầy trò Trường THPT Chu Văn An, Lạng Sơn.
Máy hái hồi tự động của thầy trò Trường THPT Chu Văn An, Lạng Sơn.

Theo ông Hoàng Quang Khôn - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Lạng Sơn, đây là ý tưởng mới, là sản phẩm rất sáng tạo, có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế.

“Tới đây, khi đưa vào sản xuất đại trà, nên cải tiến một số chi tiết vì hiện nay máy mới chỉ thu hoạch được những cành phía dưới, chưa hái được hồi ở những cành mọc hướng lên trên hoặc mọc ngang” - ông Khôn nói.

Một điểm nữa cũng cần cải tiến, theo ông Nguyễn Minh Huấn là chiều dài của cần hái hiện đạt tối đa được 5m, chỉ áp dụng được cho những cây thấp. “Bên cạnh đó, pin cũng không sử dụng được lâu, chỉ 3-4 giờ. Các tác giả cần nghiên cứu để kéo dài thời gian sử dụng vì khi lên rừng, bà con không có chỗ sạc pin” - ông Huấn đề xuất.

Hiện sản phẩm chưa được thương mại hóa mặc dù đã có một số đơn đặt hàng, bởi việc sản xuất đơn chiếc rất khó khăn, chi phí cao. “Chúng tôi rất cần một nhà đầu tư để sớm đưa sản phẩm này ra phục vụ bà con” - thầy Hữu nói. Nhóm tác giả đang được Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn tư vấn, hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp cho sản phẩm này.

Công trình máy hái hồi tự động của thầy trò trường Chu Văn An từng đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh của Lạng Sơn và cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.