Không tốn quá nhiều năng lượng và chi phí, Maxdream có trụ sở tại TP.HCM đã huy động được hàng triệu USD cho công nghệ độc quyền CDI để tạo ra nước siêu tinh khiết có khả năng sử dụng trong những ngành đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất.

Nước siêu tinh khiết dùng trong nhiều ngành nghề như dược, lab, bán dẫn.| Ảnh minh họa: Istock
Nước siêu tinh khiết dùng trong nhiều ngành nghề như dược, lab, bán dẫn.| Ảnh minh họa: Istock

Năm ngoái, TS. Đỗ Hữu Quyết đã mang ý tưởng công nghệ này đến giới thiệu với một công ty dược phẩm ở Hải Dương chuyên sản xuất các loại cốm, siro và viên sủi hỗ trợ sức khỏe. Là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, anh chỉ có vài slide để trình chiếu. Cú "pitch" đầu tiên của anh là tuyên bố có thể tạo ra nước siêu tinh khiết thay thế cho hệ thống Mixed Bed mà doanh nghiệp đang sử dụng với chi phí rẻ hơn vài lần chỉ sau hai năm và hoàn toàn không gây mùi. “Hơn thế nữa, nhà máy sẽ gần như không có thời gian downtime”, anh hứa hẹn.

Công nghệ xử lý nước được sử dụng, CDI, loại bỏ các chất từ nước ngầm hoặc nước mặt mà không cần sử dụng bất kỳ hóa chất (nhựa) hoặc màng lọc nào. Chúng hoạt động tương tự như các siêu tụ điện: hút tất cả ion hoà tan trong nước vào hai điện cực, điện cực âm hút ion dương và điện cực dương hút ion âm. Khi cần “xả” chất bẩn, người ta chỉ cần đưa một dòng nước nhỏ đi qua và đảo chiều dòng điện. Chúng được thiết kế để có thể tự động lặp lại chu trình này khoảng 100.000 lần, nghĩa là hệ thống lọc nước có thể sử dụng ổn định từ 5-10 năm.

Làm từ vật liệu nano đặc biệt, các điện cực CDI loại bỏ tới 80-90% ion ra khỏi nước làm giảm tổng chất rắn hòa tan trong nước xuống còn dưới 0.5ppm để đạt được giới hạn của nước siêu tinh khiết loại 2 dùng trong dược phẩm hoặc thí nghiệm. Trên thực tế, công nghệ này còn có thể hạ con số đó xuống thấp hơn (dưới 0.1 ppm) để trở thành nước siêu tinh khiết loại 1 dùng cho những ngành đặc biệt quan trọng như nhiệt điện (lò hơi) và bán dẫn (sản xuất chip, pin mặt trời).

Vì sử dụng dòng điện dưới 1.5V nên hệ thống CDI không gây ra hiện tượng điện phân nước, do vậy chúng không cần tới những quy trình xử lý các chất độc hại sinh ra trong quá trình điện phân như nhiều công nghệ lọc nước siêu tinh khiết hiện có. TS. Quyết chia sẻ, “Việc xử lý những phụ phẩm như thế có thể rất phức tạp và đắt đỏ, nên cách tốt nhất là ngăn chúng không xảy ra ngay từ đầu”.

Công ty dược ở Hải Dương đã lắp đặt một hệ thống lọc nước CDI với công suất 12 khối/ngày và sau đó quyết định đầu tư thêm một hệ thống tương tự với công suất gấp đôi. Họ là một trong những khách hàng ngành dược đầu tiên của Maxdream, bên cạnh những nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống đóng chai và các hộ gia đình. Công nghệ CDI cũng có thể lọc được nước mặn, một bài toán đau đầu đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Hệ thống lọc nước của họ có hỗ trợ nền tảng Internet of Things (IoT) cho phép theo dõi hiệu suất từ xa dựa trên những thông số như chất lượng nước, lượng nước tạo ra, v.v.

Bước vào vào lĩnh vực công nghệ ít người nhắm tới, startup này hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tự chủ nguồn nước tinh khiết cho công nghiệp và giảm bớt tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ngược lại với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, thay vì nhập khẩu công nghệ để bán hoặc gia công lắp ráp, Maxdream bắt đầu từ điều khó nhất - tạo ra công nghệ lõi của riêng mình.

Các nhà nghiên cứu của họ đã bắt đầu từ những vật liệu thô sơ, trải qua năm năm trong phòng thí nghiệm và tám năm sản xuất, ứng dụng thực tế tại thị trường để cuối cùng đưa ra được những sản phẩm thương mại hoàn chỉnh. Chi phí nghiên cứu tới nay đã vượt ngưỡng 2 triệu USD, tuy nhiên Maxdream đang là một trong số ít startup trên thế giới theo đuổi công nghệ lọc nước tiên tiến này.

Thực tế, Ấn Độ đã hạn chế công nghệ RO trong việc xử lý nước ăn uống, sinh hoạt hàng ngày (do mức độ lãng phí nước của công nghệ này) nhưng đang ươm tạo một doanh nghiệp công nghệ CDI tại Viện Công nghệ Ấn Độ – Madras (IIT) và hỗ trợ mở rộng nó như một công nghệ có khả năng giải quyết vấn đề ô nhiễm và tiết kiệm nước cho cả quốc gia. TS. Quyết nói Maxdream rất tự hào vì có thể phát triển được công nghệ tương tự tại Việt Nam. Điều này giúp cho doanh nghiệp tự chủ được mọi thiết kế kỹ thuật và tận dụng nguồn nhân lực, nguyên liệu nội địa đủ để đáp ứng nhu cầu về giá cả, chất lượng và độ tin cậy của thị trường trong nước.

Anh thường tự hỏi, sẽ như thế nào nếu một quốc gia không sở hữu công nghệ? Có lẽ, chính trong môi trường hợp tác quốc tế bị gián đoạn như đại dịch COVID-19 vừa qua, khi các nhà máy ở Việt Nam bị chậm trễ vì chờ đợi thiết bị sửa chữa, thay thế từ nước ngoài thì những cơ hội mới bắt đầu xuất hiện cho những doanh nghiệp công nghệ nội địa như anh.

Nói về các kế hoạch tương lai, TS. Quyết cho biết, “Chúng tôi có hơn 1.000 khách hàng đã trải nghiệm hoặc cài đặt công nghệ của mình và chúng đang phát triển với tốc độ ổn định. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận các đối tượng hiện tại thông qua những mối quan hệ đối tác và các nguồn khác như truyền thông xã hội. Trọng tâm của chúng tôi là xử lý nước và chúng tôi đang nghiên cứu những cải tiến mới để có thể xử lý nước một cách nhất quán“. Một đại diện khác của Maxdream cho biết thêm, họ đã nhận khoản tiền đầu tư không tiết lộ lên tới hàng triệu USD từ các chủ tập đoàn lớn trong nước và có mục tiêu vươn lên trở thành công ty phục vụ thị trường toàn cầu.

Trong thời đại mà gần như tất cả sản xuất của nền kinh tế quốc gia có thể được đo bằng nước, một nguồn cung cấp nước bền vững và gần như không gây hại cho môi trường là điều cực kì cần thiết. Liên Hợp Quốc ước tính rằng đến năm 2025, gần một nửa dân số Trái đất sẽ sống trong tình trạng khan hiếm nước tuyệt đối. Có vẻ những dự báo này đang bắt kịp với thực tế. Các phép đo từ vệ tinh của NASA đã xác nhận điều này và nhấn mạnh rằng, những thảm kịch về nước không chỉ dành riêng cho các quốc gia đang phát triển. Quỹ đầu tư BlackRock đã tuyên bố các công nghệ nước sạch sẽ là một trong những lĩnh vực được nhiều chính phủ và quỹ mạo hiểm quan tâm mạnh trong những năm tiếp theo.