Nếu không cẩn thận, năng lượng tái tạo cũng có thể phá hoại môi trường như năng lượng hóa thạch.
Những tranh luận về biến đổi khí hậu đã xuất hiện ồ ạt như cháy rừng Amazon trong mấy tháng gần đây. Dưới sự dẫn động của truyền thông và các phong trào xã hội, một loạt chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, và các đảng phái chính trị cấp tiến đã đưa ra những kế hoạch để chuyển dịch nhanh chóng từ nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch sang một dạng thức năng lượng sạch hơn.
Ở Mỹ, dân biểu theo phe Dân Chủ Alexandria Ocasio-Cortez là người đã đề xuất ra Thỏa Thuận Mới Xanh (Green New Deal), một đại kế hoạch nhằm buộc nền kinh tế và người dân Mỹ phải thay đổi thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch sang dùng năng lượng tái tạo.
Những người ủng hộ sự chuyển dịch này lập luận rằng nó sẽ trải thảm cho một tương lai xán lạn hơn, nơi động lực tăng trưởng là màu xanh, chứ không phải màu đen, và không có lý do gì ngăn cản người ta tiếp tục mở rộng nền kinh tế mãi mãi.
Ý tưởng này thoạt đầu nghe rất lọt tai, nhưng có những lý do chính đáng để xem xét thật kỹ nó. Bài viết này sẽ tập trung vào những mặt còn hạn chế của năng lượng tái tạo, điều mà rất nhiều người còn chưa biết.
Cụm từ “năng lượng sạch” tạo ra cho người người ta cảm giác vui vẻ, dễ chịu với nắng ấm và gió mát. Nắng và gió có sạch thật đấy, nhưng cơ sở hạ tầng để thu hoạch năng lượng từ chúng lại không sạch chút nào. Nếu không muốn nói là ngược lại. Quá trình này yêu cầu tăng mạnh sản lượng khai thác kim loại và đất hiếm, với sự tác động đến hệ sinh thái và xã hội là rất lớn.
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo, có thể xem là câu trả lời đầu tiên cho vấn đề trên. Báo cáo đã dự đoán lượng kim loại cần thiết để xây dựng đủ các cơ sở sản xuất điện năng từ gió và mặt trời với công suất đầu ra khoảng 7 terawatt mỗi năm cho đến năm 2050. Lượng điện này đủ để phục vụ một nửa nền kinh tế thế giới. Dẫu nhận được ít sự chú ý, các kết quả này cũng gây choáng váng rất mạnh: 34 triệu tấn đồng, 40 triệu tấn chì, 50 triệu tấn kẽm, 162 triệu tấn nhôm và không ít hơn 4,8 tỷ tấn sắt.
Sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ khiến công suất khai thác phải tăng mạnh.
Với trường hợp của neodymium – một thành phần quan trọng của tuabin điện gió – công suất khai thác cần phải tăng 35% so với mức hiện tại. Tương tự như vậy với bạc, vốn là thành phần không thể thiếu trong tấm năng lượng mặt trời. Sản lượng khai thác bạc cần phải tăng từ 38 đến 105%. Với indium, nguyên tố quan trọng trong công nghệ năng lượng Mặt Trời, tỷ lệ này có thể lên đến 920%.
Chưa hết, các nguồn năng lượng tái tạo từ nắng và gió có một nhược điểm không thể không nhắc đến. Chính là bảo quản lưu trữ. Than đá ở thể rắn, dầu mỏ ở thể lỏng giúp chúng có thể được bảo quản và cất giữ với số lượng lớn dễ dàng, chi phí thấp. Nhưng điện năng sản xuất ra từ nắng và gió thì không như vậy. Bạn phải xây dựng một hệ thống pin lưu trữ khổng lồ để đảm bảo hệ thống điện vẫn hoạt động khi trời không nắng không gió. Và thứ này cần tới 40 triệu tấn liti (lithium) – đồng nghĩa với sản xuất khai thác phải tăng 2.700%.
Tiếp theo điện năng là phương tiện giao thông. Một nhóm các nhà khoa học Anh đã gửi tới Ủy ban Biến đổi Khí hậu của Anh Quốc một lá thư bày tỏ lo lắng của họ về những ảnh hưởng sinh thái của xe điện. Tất nhiên là họ đồng tình với việc ngừng bán và sử dụng xe động cơ đốt trong. Nhưng họ cũng lo rằng việc thay thế 2 tỷ chiếc xe chạy xăng/dầu trên thế giới bằng xe điện sẽ vắt kiệt hoặc làm quá tải ngành khai khoáng. Neodymium và dysprosium sẽ cần tăng sản lượng khai thác hàng năm lên 70%, kim loại đồng tăng gấp đôi, cobalt tăng gấp 4 lần, năm nào cũng vậy kể từ bây giờ cho tới năm 2050.
Như vậy, trữ lượng khoáng sản trên thế giới có đủ để thỏa mãn thú chơi năng lượng tái tạo “thời thượng” của con người hay không? Đó vẫn còn là một câu hỏi. Thứ nữa, ai cũng hiểu rằng khai khoáng là một trong những ngành phá rừng nhiều nhất, phá hoại hệ sinh thái nhiều nhất và tiêu diệt đa dạng sinh học nhiều nhất trên thế giới.
Chỉ với tốc độ khai thác hiện tại cũng đã khiến Trái Đất phải oằn mình chịu trận.
Hãy lấy một mỏ bạc ở Mexico làm ví dụ. Peñasquito là một trong những mỏ bạc lớn nhất thế giới với diện tích 100km2. Nó có những gì? Những miệng hố khai thác ăn sâu vào các ngọn núi, hai đường nước xả thải mỗi cái dài 1,6km, một con đập chứa đầy chất thải độc hại kéo dài 11km và cao như một tòa nhà 50 tầng. Ấy vậy, mỏ cũng chỉ khai thác được thêm 10 năm nữa với tốc độ 11.000 tấn/năm cho đến khi cạn kiệt.
Để chuyển dịch kinh tế thế giới sang năng lượng tái tạo, chúng ta cần 130 mỏ với tầm cỡ như Peñasquito, chỉ riêng cho việc khai thác bạc.
Khai thác liti cũng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Cần gần 2.300 m3 nước để sản xuất 1 tấn liti. Chỉ với tốc độ khai thác hiện nay cũng đã đủ để nhân dân quanh các vùng khai thác khốn đốn. Tại dãy Andes, nơi có trữ lượng liti cao nhất thế giới, các công ty khai khoáng đã dùng hết sạch dự trữ nước và khiến nông dân chẳng còn gì để tưới tắm cho đồng ruộng của họ. Rất nhiều người không còn cách nào khác phải bỏ ruộng bỏ làng đi nơi khác. Hóa chất thải ra từ các mỏ liti cũng đang đầu độc các con sông từ Chile tới Argentina, từ Nevada nước Mỹ tới Tây Tạng Trung Quốc, giết chết những hệ sinh thái nước ngọt. Cơn điên khai thác liti còn chưa bắt đầu, thì thảm họa đã sờ sờ trước mắt.
Chưa hết, những dự đoán kể trên chỉ là để duy trì nền kinh tế thế giới ở mức hiện tại. Mọi chuyện sẽ điên rồ hơn khi người ta bắt đầu cộng cả tác động của tham vọng tăng trưởng. Khi nhu cầu năng lượng tăng cao, thì cơn khát tài nguyên phục vụ cho năng lượng tái tạo sẽ càng ngày càng nóng hơn – tăng trưởng càng cao, sự tình càng tồi tệ.
Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, nơi nào có tài nguyên, thì nơi đó càng dễ bị đô hộ. Trong thế kỷ 17 và 18 là cơn sốt vàng và bạc ở Nam Mỹ. Thế kỷ 19 là đất đai để trồng bông và cây công nghiệp sản xuất đường ở Caribe. Thế kỷ 20 là kim cương ở Nam Phi, cobalt ở Congo và dầu ở Trung Đông. Khi năng lượng tái tạo lên ngôi, rất có thể những nước sở hữu giàu tài nguyên phục vụ nó, như liti chẳng hạn, sẽ phải đối mặt với bạo lực và bất ổn giống như các nước Trung Đông đang chịu đựng. Những công ty năng lượng tái tạo, nhiều khả năng sẽ trở thành những con ngáo ộp dầu mỏ 2.0 – thu mua những chính trị gia, hủy hoại hệ sinh thái, vận động hành lang để vùi dập những quy định về bảo vệ môi trường, và thậm chí giết hại những người dân địa phương dám đứng ra phản đối họ.
Bài viết này không nhằm đả kích năng lượng tái tạo và không phủ nhận sự cần thiết của chuyển dịch sang năng lượng sạch. Chúng ta cần phải làm như thế với một quyết tâm lớn. Nhưng nếu chúng ta muốn theo đuổi một nền kinh tế xanh và bền vững dựa trên năng lượng tái tạo, thì cần phải nghĩ cách trả lời những nan đề kể trên. Nếu không, Thỏa Thuận Xanh Mới sẽ tiếp tục chỉ là chiêu bài câu kéo phiếu bầu của những cử tri mơ mộng, hơn là một kế hoạch thực tế.