Phương pháp ổn định mái dốc với mạng lưới cọc chốt và dây thép giúp chống sạt đất và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên được một công ty vật liệu xây dựng Nhật Bản phát triển rất đáng để các nước khác học hỏi.

Phương pháp ổn định mái dốc mới có tên là NONFRAME do công ty vật liệu xây đựng Nippon Steel & Sumikin Metal Products Co. của Nhật Bản phát triển, đang trở nên phổ biến trong việc ngăn chặn các thảm họa sạt lở đất nghiêm trọng do động đất, bão và mưa lớn gây ra trên khắp Nhật Bản.

Công nghệ Non Frame của Nhật Bản được lắp đặt ở Buhtan để chống sạt trượt đất xuống đường cao tốc. Ảnh: bbs.bt
Công nghệ Non Frame của Nhật Bản được lắp đặt ở Buhtan để chống sạt trượt đất xuống đường cao tốc. Ảnh: bbs.bt

Nếu các phương pháp ổn định mái đất thông thường phải chặt cây, xác định chính xác các bất thường trên nền đất và phủ lên bề mặt bằng bê tông, thì phương pháp mới của công ty này có thể ổn định và củng cố mái dốc mà không làm ảnh hưởng đến địa hình hay thảm thực vật hiện có, có nghĩa là vẫn giữ được lớp phủ xanh trên bề mặt mái dốc.

Như thế phương pháp mới sẽ sử dụng được lợi thế tự nhiên của cây và thực vật để ổn định mái dốc. Đồng thời lắp thêm các vật liệu gia cố, vữa, chất làm cứng và dây thép để cải thiện độ ổn định của mái dốc dựa trên sự tác động qua lại giữa cốt thép và mặt đất. Kết cấu của hệ thống này rất đơn giản với các cọc chốt cắm sâu xuống đất 2- 3 mét, các dây thép và nắp cố định mạng lưới dây vào cọc. Nhìn từ xa hệ thống này giống như một mạng nhện khổng lồ nhưng rất dễ thi công.

Sơ đồ thiết kế phương pháp chống sạt trượt đất Non Frame với hệ thống dây thép, tấm bịt cố định và cọc chốt. Ảnh: Non-Frame Research Institute
Sơ đồ thiết kế phương pháp chống sạt trượt đất Non Frame với hệ thống dây thép, tấm bịt cố định và cọc chốt. Ảnh: Non-Frame Research Institute

Do phương pháp không đòi hỏi phải chặt cây nên cảnh quan thiên nhiên và môi trường vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra phương pháp này cũng không tạo ra đất thừa hay cây bị chặt nên rất dễ áp dụng ở ngay cả những địa điểm mà máy móc hạng nặng khó triển khai được.

Phương pháp trên đã từng nhận được giải thiết kế tốt và bền vững do Bộ Kinh tế và Thương mại và Bộ Đất đai và Vận tải trao trong loạt sản phẩm thân thiện với môi trường và thiết kế tốt năm 2011 ở Nhật Bản.

Trong thực tế NONFRAME đã được phát triển từ năm 1996 để đáp ứng nhu cầu vừa chống sạt lở đất vừa bảo tồn được cảnh quan. Phương pháp này cũng đã được thực nghiệm ở Bhutan tại khu đập hồ thủy điện tại Trongsa. Vào năm 2015, sạt trượt đất ở đây do mưa lớn đã khiến 5 công nhân bị thiệt mạng. Thế nhưng khi NONFRAME được thiết kế mái dốc ở đây đã được ổn định và còn được phủ lên lớp cây xanh thân thiện với môi trường.