Dù đã giành được một vài giải thưởng nhưng phải đến năm 2019, sau khi đạt giải Nhất tại TECHFEST, startup kính thông minh MultiGlass mới chạm vào cơ hội tạo ra đột phá nhờ những sự kết nối với nhà đầu tư, truyền thông và khách hàng cũng như thay đổi về hướng phát triển công nghệ.

Sản phẩm kính thông minh MultiGlass và kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Ảnh: NVCC
Sản phẩm kính thông minh MultiGlass và kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Ảnh: NVCC

Trên trang cá nhân, Lê Hoàng Anh - founder của startup kính thông minh MultiGlass chia sẻ về niềm vui sau chuyến công tác tại TP HCM “Chốt kèo hợp tác với một đối tác ở Đài Loan chuyên cung cấp các giải pháp vận tải thông minh cho thị trường Đông Nam Á. Ngồi trao đổi thì thấy hai bên có nhiều điểm chung và đã đạt được vài thỏa thuận cơ bản là sẽ hỗ trợ MultiGlass triển khai sản phẩm kính chống cận thị ở chuỗi cửa hàng Thế giới Di động cũng như các bệnh viện ở Việt Nam. Ngoài ra, còn hợp tác về vấn đề kỹ thuật để nâng cấp, phát triển thêm vài tính năng của giải pháp vận tải thông minh cho tài xế để cung cấp cho các tệp khách hàng có sẵn của đối tác Đài Loan tại Đông Nam Á”.

MultiGlass đã có một chặng đường dài, khởi đầu từ ý tưởng phát triển một sản phẩm giúp cho người khuyết tật không tay có thể sử dụng máy tính dễ dàng. Trong nhiều năm liền, đội ngũ phát triển chấp nhận làm thêm rất nhiều công việc khác để có tiền ‘lấy ngắn nuôi dài’ và sống sót đến tận giờ này để đàng hoàng đàm phán về một sản phẩm có tiềm năng bước ra thị trường quốc tế.

Chiếc kính đa-zi-năng

Năm 2019, MultiGlass - dự án kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật và hỗ trợ các tài xế đường dài, đã trở thành quán quân cuộc thi Tìm kiếm khởi nghiệp TECHFEST. Ý tưởng của sản phẩm thật hấp dẫn: khi đeo kính, người khuyết tật không tay có thể sử dụng máy tính bằng cách chớp mắt phải để click chuột phải, chớp mắt trái để click chuột trái và hoặc di chuyển chuột bằng cử động đầu. Trong khi đó, những lái xe trên đường khi có dấu hiệu buồn ngủ sẽ được cảnh báo bằng còi to, giúp tài xế tránh mất tập trung và giảm tai nạn giao thông do mệt mỏi.

Công nghệ lõi của chiếc kính này nằm ở thuật toán nhận dạng con mắt – thứ đang được các hãng di dộng sử dụng phổ biến cho dòng điện thoại thông minh. Điểm khác biệt trong ý tưởng là nếu như các hãng công nghệ và quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ này cho việc nhận dạng khuôn mặt hay xác thực công dân,… thì các nhà sáng lập MultiGlass lại áp dụng nó cho một tính năng khác mang tính xã hội hơn. “Việt Nam có hàng chục triệu người lái xe hơi và hàng triệu người khuyết tật. Thuật toán mà MultiGlass phát triển với sự tích hợp của trí tuệ nhận tạo giúp chiếc kính có thể nhận dạng được mọi tình trạng, sắc thái, cử động của mắt để đưa ra chính xác lệnh của người dùng”- Lê Hoàng Anh cho biết. Thậm chí, để đảm bảo cho tính chính xác của các dữ liệu mà cảm biến thu thập được, Hoàng Anh và các cộng sự đã tìm đến những bác sỹ chuyên ngành về mắt để nhờ họ tư vấn các trạng thái mắt có biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ.

Đội ngũ phát triển kính thông minh MultiGlass. Ảnh: NVCC
Đội ngũ phát triển kính thông minh MultiGlass. Ảnh: NVCC

Sự kết hợp của kiến thức chuyên môn cùng công nghệ trí tuệ nhận tạo giúp chiếc kính có độ chính xác lên tới hơn 90%. Những tưởng ngần ấy đã là quá đủ để founder Lê Hoàng Anh cảm thấy hài lòng nhưng anh vẫn cho rằng: ‘Cần phải tiếp tục nâng độ chính xác lên cao hơn bằng nguồn dữ liệu thu thập được trong quá trình khách hàng sử dụng kính cũng như việc tối ưu thuật toán”.

Thời điểm năm 2019 tham gia TECHFEST, MultiGlass nổi lên như một dự án vừa làm phần cứng, vừa làm phần mềm lại có ý nghĩa xã hội khi nó có thể giúp cho người khuyết tật thuận tiện hơn trong cuộc sống, bảo vệ sự an toàn cho những người lái xe. Bởi vậy sau khi trở thành quán quân rồi “vinh quy bái tổ”, MultiGlass lập tức được Sở KH&CN Đà Nẵng đề nghị đầu tư để nghiên cứu và phát triển.

Nhìn lại các dấu mốc quan trọng trong quá trình vừa qua, Lê Hoàng Anh cho rằng “TECHFEST giúp nhà đầu tư tin vào công nghệ và tầm nhìn sản phẩm của chúng tôi, nó giống như một sự đảm bảo. Đó cũng là nhà đầu tư đầu tiên của MultiGlass và điều đó giúp đội ngũ founder có thêm niềm tin để tiếp tục tìm ra những hướng đi mới cho sản phẩm”.

Làm mọi loại kính thông minh theo yêu cầu

Một năm sau TECHFEST 2019, MultiGlass hào hứng giới thiệu về sản phẩm mới: kính chống cận thị đi kèm cảnh báo sốt - một tính năng mà phóng viên có đùa với Hoàng Anh rằng “bonus – (tặng thêm) thời Covid-19”.

Vì sao lại là sản phẩm kính cận thị? Đây có phải là một thị trường ngách của công ty? Hoàng Anh tin rằng với một thị phần gồm 5 triệu người cận thị ở Việt Nam và con số vẫn không ngừng tăng mỗi năm cũng như việc trẻ em và người lớn nhìn quá nhiều vào màn hình máy tính, tivi, điện thoại mỗi ngày cũng đều cần sử dụng chiếc kính của mình. Thực tế thì ý tưởng về sản phẩm này đến khi đi khảo sát thị trường, Lê Hoàng Anh và các cộng sự nghe được chia sẻ của các tiệm kính thuốc truyền thống về nhu cầu “cần một chiếc kính có khả năng nhắc nhở người sử dụng về việc đã nhìn vào màn hình điện thoại, tivi bao lâu hoặc ngồi quá gần có thể dẫn đến tật khúc xạ ở mắt”.


Từ công nghệ lõi nhận diện con mắt, chúng tôi tự tin khẳng định có thể phát triển bất cứ sản phẩm nào về kính cả phần cứng và phần mềm. Sự linh hoạt này sẽ giúp MultiGlass đi xa hơn trong sự phát triển của mình.

Lê Hoàng Anh


Trên nền tảng công nghệ lõi nhận diện con mắt đã phát triển trong nhiều năm, MultiGlass lập tức có ngay sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng chỉ sau ba tháng nghiên cứu và phát triển. Điểm đặc biệt của loại kính này là nó sẽ được kết nối với ứng dụng MultiGlass trên điện thoại, dựa theo cài đặt như khoảng cách từ mắt tới vật thể, thời gian nhìn tập trung một lần, cảm biến sẽ tự động thu thập thông tin và đưa ra cảnh báo tới người dùng. Trong đợt Covid-19, đội ngũ MultiGlass bổ sung tính năng đo nhiệt độ cơ thể để cảnh báo nếu phát hiện người dùng bị sốt.

Sự hữu ích của chiếc kính đã khiến MultiGlass có thêm đơn hàng, dù trong giai đoạn diễn ra đại dịch: nhận được đơn đặt hàng 3000 chiếc đầu tiên cùng với sự thỏa thuận của một đối tác lớn tại Nhật Bản - thiết kế và sản xuất theo yêu cầu dựa trên công nghệ nhận diện con mắt, vật thể. Dù từ chối tiết lộ chi tiết hơn về đơn hàng này nhưng Lê Hoàng Anh cũng tin rằng đây chính là bước đệm quan trọng để startup này có cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản dễ dàng hơn khi mà sản phẩm của họ sẽ được gắn nhãn bảo đảm từ đối tác Nhật Bản này. “Từ công nghệ lõi nhận diện con mắt, chúng tôi tự tin khẳng định có thể phát triển bất cứ sản phẩm nào về kính cả phần cứng và phần mềm. Sự linh hoạt này sẽ giúp MultiGlass đi xa hơn trong sự phát triển của mình” – Lê Hoàng Anh nói.

Một năm sau hành trình từ TECHFEST 2019, MultiGlass đã có bước phát triển nhảy vọt so với chính nó. Thay đổi về mô hình kinh doanh, phát triển ra nhiều sản phẩm mới, gặp gỡ được nhà đầu tư và có thể “tự đi trên chính đôi chân của mình” sau những giai đoạn khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm.

Lê Hoàng Anh thừa nhận, danh tiếng, sự bảo đảm về mặt chất lượng và ý tưởng sản phẩm đã góp phần để chiếc kính đa năng MultiGlass tiếp tục hành trình chinh phục tầm nhìn “trở thành nhà cung cấp kính thông minh hàng đầu Việt Nam”.