Một cuộc trò chuyện của “những người đã quá thành công” với những người trẻ tại Huế cuối tuần rồi, xoay quanh câu chuyện rất thời đại: health-tech, hóa ra, có nhiều điều để nghĩ ngợi dài lâu…
Chọn khởi nghiệp y tế?
Sáng ngày 25/7/2019, tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo Đại học Huế, các khách mời và thính giả đã rất tích cực trao đổi về những trăn trở đối với nền y tế tỉnh nhà, các thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội để khởi nghiệp thành công trong mảng công nghệ y tế (healthtech) tại Huế.
Cuộc nói chuyện bắt đầu với trăn trở hơn 10 năm trước của ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia Kinh tế và bác sĩ Vũ Mạnh Tiến về việc làm thế nào để phát triển ngành Y tế nước nhà và suy nghĩ về một mô hình kinh doanh phù hợp. Ngành Y tế thời kỳ này tồn tại vùng trũng khá lớn về tin học. Cả hai ông đều tán đồng ý tưởng: muốn cải thiện chất lượng phục vụ ngành Y nhất thiết nên gắn liền với Công nghệ Thông tin. Về sau, bác sĩ Tiến có một bước ngoặt lớn khi tự mày mò viết thành công phần mềm Medisoft và cung cấp miễn phí phần mềm Medisoft 2003 cho 1.000 bệnh viện, dịch chuyển công việc từ một bác sĩ thành một lập trình viên viết phần mềm, sau đó thành lập doanh nghiệp và là giám đốc điều hành Công ty Tin học. Hiện nay, ông Tiến đang là cố vấn cho Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế trong việc thực hiện, chia sẻ, kết nối Bệnh án Điện tử trên toàn quốc theo chuẩn quốc tế HL7 FHIR.
Bước ngoặt công việc của bác sĩ Tiến và dự án cung cấp miễn phí phần mềm Medisoft cho 1.000 bệnh viện kể trên có thể xem như nhân tố góp phần thúc đẩy việc ứng dụng CNTT vào phát triển ngành Y tế nước ta.
Cải thiện chất lượng phục vụ ngành Y tế chính là liên tục điều chỉnh tổ chức từ khâu đón tiếp bệnh nhân - sắp xếp – chăm sóc sao cho khoa học nhất. Bác sĩ Tiến nhấn mạnh: “Bây giờ các bạn khởi nghiệp cần phải làm khác đi, nên định hướng đến bệnh nhân là chính bởi vì cơ sở dữ liệu những người đi trước họ đã làm hết rồi. Tập trung hướng đến mô hình bệnh viện không giấy tờ và chia sẻ thông tin giữa các bệnh viện trên nền Big Data và AI để phục vụ người bệnh tốt hơn”.
Từ đây, các vấn đề được quan tâm chia sẻ, thảo luận nhiều nhất đến cuối buổi nói chuyện chính là cách gây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, làm thế nào để khởi nghiệp thành công trong ngành Y tế, triển vọng và cơ hội trong việc ứng dụng khai thác Big Data, trí tuệ nhân tạo AI, sự sẵn sàng của chính phủ trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn ngành Y tế tạo ra những cơ hội gì cho các startup...
Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ, tại phòng làm việc của mình ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), thông qua hệ thống họp trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong ngành Y tế với các bạn trẻ rằng: “Các bạn nên xác định rõ đối tượng phục vụ của doanh nghiệp mình là ai? Cần thiết chú trọng đến mảng Digital, E-System. Tìm kiếm và kết nối cộng đồng những người đi trước trong lĩnh vực mình định làm sau đó định vị lại góc nhìn mà định hướng phát triển sản phẩm – dịch vụ cho startup. Tốt hơn nữa thì có thể sử dụng công cụ Google tra cứu tìm concept phù hợp. Và anh có hứa sẽ chia sẻ những cộng đồng Healthtech, Healthcare lớn mà anh đang tham gia cùng cho những ai thực sự quan tâm”.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Tiến sĩ Kinh tế Phát triển Nhật Bản, đề cập đến việc phát triển mô hình Big Data ở Huế. Ông cho rằng phải có hệ thống Big Data thì mới có thể hỗ trợ xử lý dữ liệu làm nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong việc dự đoán và tổ chức hệ thống mạng y tế phục vụ cộng đồng.
Những trăn trở của giới trẻ
Bạn Lê Tăng Vinh, sinh viên ngành CNTT phát biểu: “Trong quá trình học, bạn đi làm việc và hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân. Bạn nhận thấy trình độ cũng như ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng còn rất thấp. Vì vậy, một khi tập trung ứng dụng Công nghệ Y tế hướng đối tượng về bệnh nhân sẽ gặp khó khăn do hiểu biết của người Huế về công nghệ còn hạn chế. Và nếu có làm sẽ rất cần phải đầu tư “giáo dục khách hàng” nhằm thay đổi nhận thức, nếu không thì sẽ khá khó khăn trong việc giải thích với khách hàng về việc sử dụng. Ngoài ra, cơ chế cho nhân sự ngành IT ở Huế khá thấp nên phần lớn người trẻ thà ra ngoài làm việc chứ ít muốn làm trong ngành Y”.
Trước trăn trở của Vinh, ông Trần Sĩ Chương đả thông tư tưởng một cách nhẹ nhàng rằng: “Bạn nói như vậy tức là đòi hỏi đủ điều kiện rồi mới làm. Sáng tạo không phải là nghĩ ra cái gì siêu phàm mà phải là luôn nghĩ cách và tìm hướng phục vụ khách hàng theo những cách mới hơn, tốt hơn hoặc tinh gọn hơn trước nhằm cải thiện chất lượng phục vụ và hiệu suất làm việc. Đơn cử như Uber, họ hoàn toàn không tạo ra cái gì mới mà chỉ kết nối những nguồn lực đang sẵn có để phục vụ khách hàng. Sáng tạo nói ngắn gọn chính là: “Xã hội đang có nhu cầu gì, đang cần gì và chúng ta có thể làm gì để cải thiện”. Và từ “Sáng tạo” mới có “Đổi mới”, từ đó tạo ra cơ hội “Khởi nghiệp”. Làm gì thì làm, sáng tạo gì thì sáng tạo cũng phải tạo ra giá trị thật được xã hội công nhận. Và ban đầu để khởi nghiệp thuận lợi cần nên tập trung vào việc giải quyết nhu cầu hoặc những việc cần làm mà bạn nhìn thấy của xã hội cái đã”.
Ông Chương dí dỏm: “Các bạn trẻ Huế cần hết sức thận trọng với những câu cửa miệng, kiểu như: “Huế mà làm được chi mi?”; “Ui chà, mi nói hay rứa thì người khác đã làm rồi, lấy mô tới phiên mi”....Cứ tập trung vào việc tìm ra cái xã hội đang cần và đề ra giải pháp giải quyết thì khi đó, khởi nghiệp đâu quan trọng là ở Huế hay nơi nào?! Chỉ cần khảo sát nhu cầu của khách hàng và sử dụng CNTT làm hiệu ứng đòn bẩy.
Anh Huy, một cử tọa khác của chương trình bày tỏ: “Tôi vốn là người làm trong ngành du lịch và đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực Y tế bằng mở phòng khám răng. Liệu có thể ứng dụng AI, Robot để phục vụ khám, chữa bệnh?”.
Với câu hỏi này của Huy, bác sĩ Vũ Mạnh Tiến trả lời rằng: “Đầu tiên cần phải làm rõ khái niệm robot mà Huy đưa ra. Nếu robot anh Huy đề cập tới là nhắc đến hệ thống phần mềm cho phép bác sĩ nhập thông tin bệnh nhân vào đầy đủ, sau đó hệ thống truy xuất kết quả giúp bác sĩ ra quyết định thì cần nhất là phải có Big Data. AI hay robot gì muốn thông minh đều cần có nhiều dữ liệu. Mà muốn có lượng cơ sở dữ liệu lớn cần “kết nối” hoặc “mua dữ liệu” để làm Big Data. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, phòng khám răng mà ứng dụng AI, Robot là chưa khả thi.