Các chuyên gia quốc tế đánh giá, trong bối cảnh cách mạng trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa, nguồn lực nhân lực giá rẻ có thể sẽ không còn là lợi thế của các quốc gia phát triển dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa ở các quốc gia phát triển đang ảnh hưởng sâu sắc đến vai trò của các quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khủng hoảng COVID-19 cũng đồng thời tạo ra những thay đổi đột ngột trong chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy quá trình tự động hóa và số hóa nhanh hơn nữa. Các chuyên gia quốc tế đánh giá, trong bối cảnh đó, nguồn lực nhân lực giá rẻ có thể sẽ không còn là lợi thế của các quốc gia phát triển dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Những nguy cơ

Mặc dù những tiến bộ KH&CN về trí tuệ nhân tạo và tự động hóa tạo ra được cuộc cách mạng về sản xuất nhưng cũng đồng thời cũng mang lại nhiều nguy cơ:

Độc quyền tự nhiên và “người thắng cuộc được tất cả” (winners take all):

Sự phát triển mạnh mẽ của trí thông minh nhân tạo và tự động hóa có xu hướng thúc đẩy quá trình độc quyền hóa của một số doanh nghiệp siêu lớn (trong đó tiêu biểu là các công ty công nghệ hang đầu) ở các quốc gia phát triển. Xu hướng này sẽ rõ rệt khi hiện tại phần lớn bí kíp công nghệ và nguồn lực tài chính đang tập trung ở một số quốc gia phát triển nhất thế giới. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ từ các quốc gia đang phát triển sang các quốc gia phát triển cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tập trung nguồn lực (nhân lực, tài chính, công nghệ) ở các quốc gia dẫn đầu.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng xu thế phát triển công nghệ trí thông minh nhân và tự động hóa ở các nước phát triển sẽ có khả năng làm cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trở nên thua thiệt và bỏ lại phía sau. Xu thế này trong dài hạn sẽ làm gia tăng khoảng cách về thu nhập và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới, khiến cho câu hỏi về chiến lược phát triển quốc gia ở các nước đang phát triển ngày càng trở nên bức thiết.

Nguồn ảnh minh họa:automationworld.

Công việc cần lao động “dịch chuyển ngược” về nước phát triển

Khi công nghệ trí thông minh nhân tạo và tự động hóa phát triển, các công việc cần nhiều lao động sẽ được “dịch chuyển ngược” trở lại các nước phát triển. Mặt khác, “cuộc chạy đua về phía đáy” (race to the bottom) - cuộc chạy đua của các quốc gia đang phát triển để thu hút đầu tư nước ngoài FDI sẽ không thể tiếp tục diễn ra như đã diễn ra trong vài thập kỉ trước. Bởi vì, trước đây, các quốc gia nhận đầu tư FDI chấp nhận dần dỡ bỏ các hành lang pháp lý và các yêu cầu khắt khe về an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động, cũng như xem nhẹ các tác động tiêu cực đến môi trường... để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hiện nay, khi những cuộc thảo luận toàn cầu về an sinh xã hội và quyền lợi dành cho người lao động đang ngày càng được quan tâm trên tất cả các diễn đàn chính sách toàn cầu thì không thể tiếp tục.

Quá trình này được cái chuyên gia gọi là quá trình điều chỉnh lại nguồn cung ứng trong sản xuất để làm cho các mắt xích trong chuỗi giá trị ngày càng xích lại gần nhau về mặt địa lý (re-shoring, near-shoring). Đây là xu hướng đi ngược lại với xu thế thuê ngoài (outsourcing), hay thuê ngoài xuyên biên giới (off-shoring) của rất nhiều ngành sản xuất trong suốt hơn hai thập kỉ qua. Xu thế này tiềm ẩn những rủi ro thất nghiệp và mất lợi thế cạnh tranh đối với Việt Nam khi sự phát triển của quốc gia trong những thập kỷ qua một phần lớn dựa vào xuất khẩu.

Một ví dụ rõ ràng cho thấy xu hướng thay đổi này đang diễn ra trong ngành dệt may – một lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều thế mạnh trong xuất khẩu hàng gia công và thường đóng góp 10-15% GDP. Trong những năm gần đây, ngành dệt may đã chứng kiến sự quay trở về của các doanh nghiệp dệt may ở Mỹ và Châu Âu sau một thời gian dài đặt nhà máy gia công và thuê gia công giá rẻ từ nước người. Xu hướng này đến từ sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới như in 3-D, máy cắt laze tự động, cánh tay robot tự động may (sewbot), số hóa ngành dệt may, các hệ thống tích hợp... thay đổi phương thức sản xuất của ngành dệt may, khiến cho ngành này không còn đòi hỏi nhiều nhân lực giá rẻ như trước. Trong khi đó lương công nhân dệt may ở các nước đang phát triển đang tăng rất nhanh trong khi năng suất lao động không tăng nhanh tương ứng.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đem lại một cú hích, gây ra những gián đoạn đột ngột của chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa quá trình áp dụng công nghệ và tự động hóa của mình. Theo báo cáo Tương Lai Nghề Nghiệp 2020 của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (Geneva, Thụy Sĩ), COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa và tự động hóa toàn cầu, khi có hơn 84% các doanh lớn nhất thế giới tham gia khảo sát cho rằng sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa và tự động hóa trong doanh nghiệp của mình để hạn chế những gián đoạn về chuỗi cung ứng do COVID-9 gây ra.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Cho đến nay, chưa thể đánh giá hết những rủi ro về độc quyền tự nhiên và gia tăng bất bình đẳng toàn cầu, trong bối cảnh mà tốc độ và quy mô của những đổi mới công nghệ mang tính đột phá (disruptive innovation) là không thể đoán định được. Trên thế giới, các chuyên gia kinh tế hàng đầu vẫn đang xây dựng các mô hình kinh tế và thu thập dữ liệu để lượng hóa các ảnh hưởng, rủi ro này với các nước đang phát triển.

Đối với Việt Nam, cần phải đánh giá các rủi ro nêu trên để có chính sách giảm thiểu rủi ro. Trong đó, các chuyên gia kinh tế bước đầu đánh giá và đưa ra một số lưu ý:

Chính sách phát triển vĩ mô: Mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương trong bối cảnh thay đổi về công nghệ và tự động hóa ở các nước phát triển, đi kèm với những thay đổi đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu (một phần được đẩy nhanh do COVID-19). Nguồn nhân lực giá rẻ sẽ nhanh chóng không còn là một lợi thế cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Do vậy, để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với một “trật tự bình thường mới” hậu COVID-19, Việt Nam cần có sự nghiêm túc đánh giá lại về lợi thế cạnh tranh quốc gia, để đảm bảo sẽ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua khoa học công nghệ toàn cầu.

Pháp lý và thể chế: Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và thể chế theo hướng hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt tập trung vào các nhóm ngành có khả năng gây ra sự thay đổi mang tính đột phát (disruptive innovation) như công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ y khoa và y tế (medtech), y sinh học (bio-science), vật liệu mới (new material) ...

Giáo dục và khoa học công nghệ: Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung chú trọng đổi mới giáo dục theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển giáo dục STEAM, đồng thời trang bị kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, chính sách giáo dục cần được đồng nhất với chính sách lao động, chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đảm bảo rằng hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học có thể thích ứng tốt với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.

Chính sách xã hội: Trong bối cảnh bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, chính sách an sinh xã hội cần được tiếp tục chú trọng, đảm bảo tính bao trùm trong phát triển. Chính sách an sinh xã hội tốt sẽ giúp tạo ra những chuyển dịch trong xã hội theo hướng tích cực (upward social mobility) mà ở đó các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ có cơ hội phát triển vốn nhân lực, tăng thu nhập, và thay đổi cuộc đời nhờ vào những tiếp cận với những dịch vụ công cơ bản (giáo dục, y tế...).

Theo báo cáo Chỉ Số Cạnh Tranh Toàn Cầu (Global Competitiveness Index) năm 2020, điểm hạn chế trong sự phát triển của Việt Nam nằm trong hai nhóm chính bao gồm thể chế và kỹ năng. Vì vậy, một chiến lược phát triển mới xác định rõ lợi thế cạnh tranh, cải thiện thể chế, đổi mới và phát triển kỹ năng của nguồn nhân lực trong nước phải là những tập trung cần làm ngay trước mắt để hạn chế những rủi ro và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

Nguồn tham khảo:

https://www.wsj.com/articles/china-sees-a-manufacturing-futurein-america-1490087701
ILO, The future of work in textiles, clothing, leather and footwear, Working Paper No.
326, Geneva, Thụy Sĩ.
Korinek A. and Stiglit,J.E. 2020, Artificial intelligence, globalization, and strategies for economic development, NBER Working Paper 28453, http://www.nber.org/papers/w28453
World Economic Forum, 2020, Global Competitiveness Index 2020.
https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2020
World Economic Forum, 2020, The Future of Jobs Report 2020, https://www.weforum.org/reports/the-future-of-jobs-report-2020
Francesca de Nicola, Jonathan Timmis & Asya Akhlaque, COVID-19 thay đổi Chuỗi Giá trị Toàn cầu như thế nào? Bài học từ Ethiopia và Việt Nam. https://blogs.worldbank.org/vi/eastasiapacific/covid-19-thay-doi-chuoi-gia-tri-toan-cau-nhu-nao-bai-hoc-tu-ethiopia-va-viet-nam