Mua hàng vì tính thẩm mỹ
Đẹp hay rẻ mới là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng? Đây vẫn là một chủ đề được tranh luận sôi nổi. Trong thực tế, rất nhiều sản phẩm không hề rẻ - điển hình như iPhone của hãng Apple - vẫn thu hút đông đảo người mua. Điều này cho thấy, yếu tố thiết kế, thẩm mỹ nhiều khi là sự lựa chọn đầu tiên của khách hàng.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học bang San Francisco (Mỹ) khảo sát quan điểm lựa chọn của 700 khách hàng đối với 30 mẫu xe hơi cỡ nhỏ dựa trên các yếu tố như phong cách, thiết kế, giá cả và sự an toàn. Kết quả là khách hàng thường đánh giá cao yếu tố thẩm mỹ, tạo ra cảm xúc hơn là giá cả hay mức tiêu thụ nhiên liệu.
“Qua thời gian, khách hàng có thể nhanh quên các yếu tố chức năng của sản phẩm, nhưng sẽ yêu mến thương hiệu có các sản phẩm đẹp” - Minu Kumar, thành viên nhóm nghiên cứu - nói. Theo ông, người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có thiết kế độc đáo, ưa nhìn. Điều đó cũng lý giải vì sao các sản phẩm của Apple được ưa thích.
Tim Brown - Giám đốc điều hành của hãng đổi mới và thiết kế IDEO - thừa nhận Apple có ảnh hưởng lớn tới phong cách thiết kế sản phẩm công nghiệp.
Thành công của Apple với huyền thoại thiết kế Steve Jobs đã đem lại nét đẹp không còn phải nghi ngờ và tạo ra cảm xúc trải nghiệm độc đáo cho người dùng. Sản phẩm của Apple ăn khách hơn bất kỳ công ty nào khác, đẩy thiết kế sản phẩm thành một trong những nguyên tắc thương mại quan trọng nhất thế kỷ 21.
“Trong thiết kế, nếu tập trung nhiều hơn vào tính thẩm mỹ của sản phẩm, bạn có thể tạo ra sự kết nối của người tiêu dùng với thương hiệu, tạo ra sự trung thành và mối quan hệ bền vững hơn với người tiêu dùng” - Kumar nói.
Thiết kế đẹp không chỉ là ưa nhìn
Không phải ai cũng hiểu rằng bí quyết làm đẹp có chiều sâu của sản phẩm Apple đến từ sự kết hợp cả nét thẩm mỹ ngoại hình và nét đẹp của cách hoạt động, chứ không chỉ hào nhoáng bên ngoài.
“Hầu hết mọi người hiểu sai rằng thiết kế là những gì người ta nhìn thấy. Các nhà thiết kế được đưa cho chiếc hộp gỗ dán với yêu cầu hãy làm nó trông thật tốt. Đó không phải những gì chúng tôi nghĩ về thiết kế. Sản phẩm được thiết kế không chỉ là những gì nhìn thấy và cảm thấy. Thiết kế còn là cách sản phẩm hoạt động như thế nào” - Steve Jobs từng nói.
Để đưa các ý tưởng thiết kế đẹp vào thực tiễn, sự kết nối hài hòa giữa nhà thiết kế và kỹ sư chế tạo hết sức quan trọng. Bangle - thuộc đội thiết kế của hãng xe BMW - cho biết, trong thực tế sự kết nối này không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi sự khác biệt về công việc của hai bên.
“Nhà thiết kế nhìn sự hoàn hảo như một cái gì đó phù du, một đối tượng tinh thần cần đạt qua các giai đoạn; nhưng với các kỹ sư, sự hoàn hảo là hoàn hảo về mặt vật lý và kích thước, một cái gì đó cần được làm ngay ở lần đầu tiên” - Bangle chia sẻ.
Muốn khắc phục sự khác biệt giữa một bên là sự nhảy cảm thiên về cảm xúc và một bên là lý trí, Bangle cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp khi đưa bản mẫu thiết kế cho các bên liên quan trong quá trình chế tạo sản phẩm hết sức quan trọng. Có như thế, nhà sản xuất mới hiểu được bản mẫu thiết kế và đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ.
Xét cho cùng, yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm nhằm tới đích cuối cùng là phục vụ người tiêu dùng. Theo Nathan Crilly - thuộc Trung tâm Thiết kế kỹ thuật Đại học Cambridge (Anh), để sản phẩm có thiết kế ăn khách, cần nghiên cứu gu thẩm mỹ của người tiêu dùng và người tiêu dùng phải có được tiếng nói trong chính quá trình thiết kế sản phẩm.
“Thế giới của người tiêu dùng cho thấy sản phẩm được nhìn như thế; chứ không phải như những gì bạn nghĩ” - Nathan Crilly nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đây cũng là một công việc khó khăn về chi phí và thời gian. Ngoài ra, có thể do đa số người tiêu dùng không muốn nhìn thấy sản phẩm ở giai đoạn quá sớm, các nhà thiết kế có thể chỉ chọn một mẫu với quy mô nhỏ đại diện về mặt nhân khẩu học để có thể đánh giá thử.
Theo các chuyên gia, tính thẩm mỹ được xem là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong thương mại hóa sản phẩm. Thậm chí, nó còn tạo dựng nên thương hiệu và hồn cốt của sản phẩm.
“Không có thẩm mỹ, thiết kế có thể chỉ là sự lặp lại nhàm chán của khuôn sáo quen thuộc hay một cuộc tranh giành hoang dã đối với sự mới lạ. Không có thẩm mỹ thì hình thức không có nội dung thể hiện hoặc nội dung cũng không có một hình thức ý nghĩa” - Paul Rand, chuyên gia về thiết kế đồ họa nổi tiếng - nói.