Các nhà sản xuất đã lần lượt giới thiệu dòng TV cao cấp của mình sẽ bán ra trong năm. Ngoài độ phân giải 4K Ultra HD, các model màn hình đời 2016 còn tập trung nâng cấp chất lượng hình ảnh, bổ sung HDR, bên trong thiết kế cao cấp.
Hình ảnh HDR
|
4K HDR là tiêu chuẩn trên các mẫu TV cao cấp đời 2016.
|
HDR, viết tắt của High Dynamic Range (tạm dịch: dải tương phản động mở rộng), về cơ bản cho phép hiển thị tốt hơn các vùng tương phản trong một bức hình, giữ được chi tiết ở vùng quá sáng, làm nổi các chi tiết ở vùng tối.
Hình ảnh trên TV HDR mang đến cấp độ mới về khả năng tái tạo chi tiết. Những khu vực tối sẽ đen sâu nhưng vẫn hiển thị đầy đủ, trong khi đó vùng sáng được tăng cường mà không bị "cháy" chi tiết. Màu sắc cũng phong phú và sống động hơn.
HDR hoàn thiện trải nghiệm quan trọng nhất của một chiếc TV là đem đến hình ảnh đẹp và trung thực. So với TV thường có độ sáng tối đa khoảng 100-400 nit, TV HDR cho độ sáng khoảng 1.000 nit và hơn thế, đem lại sự khác biệt rõ rệt.
HDR trở thành tiêu chuẩn trên các mẫu TV Ultra HD cao cấp đời 2016, chẳng hạn cả ba dòng Bravia 4K năm nay của Sony gồm X93D, X85D và S85D đều hỗ trợ công nghệ này. HDR cũng xuất hiện trên model của Samsung như KS9500, KS900, KS7500... LG có mẫu SignatureG6 OLED, EG960V, dòng Super UHD...
Nâng cấp khả năng hiển thị
Chất lượng hình ảnh luôn là yếu tố quan trọng trên TV và mọi nhà sản xuất đều không ngừng cải tiến để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Năm nay, Samsung với dòng SUHD TV được trang bị tấm nền chấm lượng tử 10-bit đem đến hình ảnh rực rỡ, độ tương phản cao. Công nghệ Ultra Black được nhà sản xuất Hàn Quốc áp dụng nhằm mang đến màu đen sâu hơn, giảm thiểu phản sáng từ các nguồn đèn khác chiếu vào.Trong khi đó, LG tiếp tục theo đuổi dòng OLED TV với ưu điểm là hình ảnh rực rỡ, màu đen rất sâu.
|
Các công nghệ mới được nhà sản xuất đưa ra nhằm nâng cấp khả năng hiển thị trên TV 4K 2016.
|
Không kém cạnh,Sony trang bị công nghệ Slim Backlight Drive với cấu trúc đèn nền dạng lưới, giúp TV cho chất lượng hình ảnh như dùng đèn nền full-array nhưng vẫn mỏng. Ngoài ra, hãng còn tăng cường với công nghệX-tended Dynamic Range Pro để tái tạo vùng sáng tối tốt hơn, màu sắc sống động với Triluminos Display.
Hai nhà sản xuất ít tên tuổi hơn là Skyworth và TCL cũng tập trung nâng cấp chất lượng hình ảnh trên TV của hãng. Mẫu K920S của Skyworth sử dụng công nghệ Nano GLED với tấm sáng siêu mỏng giúp TV có "số đo" chỉ 7,9 mm. Đây cũng là hãng thứ hai bán ra TV sử dụng công nghệ màn hình OLEDtại Việt Nam.Về phía TCL, hãng tung mẫu C1hỗ trợ công nghệ Quantum Dot giúp nâng chất lượng hiển thị, bên cạnh các công nghệ khác như gam màu rộng cùng với HDR.
Thiết kế cao cấp
Cuộc đua TV siêu mỏng năm nay không rầm rộ như trước nhưng vẫn là "sóng ngầm" giữa các hãng. Dù thế, các sản phẩm đảm bảo cân bằng giữa thiết kế mỏng và hiệu năng sử dụng. Điểm chung của các mẫu TV 4K đời 2016 là kiểu dáng thời trang, thiết kế cao cấp, viền màn hình cực mảnh và tối giản giúp sản phẩm đẹp ngay cả khi nhìn từ mặt sau.
|
Loạt TV 4K cao cấp 2016 có thiết kế mỏng, đẹp cả ở mặt sau.
|
Năm nay, Sony đưa ra triết lý "Slice of Living" với phong cách đơn giản, sang trọng. Viền màn hình TV thiết kế mỏng, các đường nét vuông vức, chân đế dạng khối kim loại lớn,hộp điều khiển thông minh với đèn báo được làm gọn gàng hơn.
Về phía Samsung, hãng trình diễn thiết kế TV không viền (benzel-less) khi hình ảnh được làm tràn ra sát mép.Nhờ thiết kế này, người xem sẽ tập trung hơn vào các khung cảnh trên màn hình. Phần viền bằng hợp kim giúp sản phẩm cao cấp và có độ bền cao dù được làm rất mỏng.
Với công nghệ OLED, độ mỏng luôn là điểm nhấn trên các mẫu TV của LG. Model đầu bảng Signature G6 OLED có độ dày chỉ 2,57 mm được thiết kế không đường viền với bề mặt đặt trên một tấm kính. Trong khi đó Skyworth K920S mỏng 7,9 mm hay TCL C1 mỏng 9 mm đều là những sản phẩm có "số đo" ấn tượng.
Các TV 4K cao cấp đời 2016 được các nhà sản xuất chăm chút ngoại hình ngay cả phía sau. Sony, Samsung, LG... đều khéo léo bố trí dây nguồn và các giắc cắm ra ngoài tầm mắt giúp TV trông ngọn gàng hơn.