Nhiệm vụ giữ an toàn cho tù nhân trong thời gian thụ án thật sự chẳng hề dễ dàng, khi bản thân họ rất dễ sử dụng thuốc phiện (tuồn theo ngả trái phép) quá liều, đánh nhau với bạn tù hoặc thậm chí còn tự làm hại bản thân.

Vì vậy, chính quyền Hongkong vừa lên kế hoạch sử dụng các robot, thiết bị đeo tay và nhiều công nghệ trên nền IoT (kết nối vạn vật) khác để tăng cường hiệu quả quản lý đối với khoảng 8300 phạm nhân hiện đang bị giam giữ tại các trung tâm phục hồi nhân phẩm trên khắp đặc khu này – điều thoạt nghe tưởng giống như một ngã rẽ “tăm tối” trong khái niệm “smart home” vốn đang rất thịnh hành.

Phạm nhân trong nhà tù ở Hongkong. Ảnh: Hongkong Free Press.

Phạm nhân trong nhà tù ở Hongkong. Ảnh: Hongkong Free Press.

Hôm 14/2, Sở cải huấn Hongkong (Hongkong’s Correctional Services Department hay CSD) tuyên bố kế hoạch phát triển hệ thống các nhà tù thông minh (smart prison system). Trong đó, bước đầu tiên sẽ là thử nghiệm một vài công nghệ ở quy mô nhỏ, sau đó tiến tới dần triển khai trên diện rộng nếu thu được hiệu quả như mong muốn.

Theo Hoa Nam Nhật Báo (South China Morning Post hay SCMP), một trong những công nghệ tiêu biểu được ứng dụng trong kế hoạch này sẽ là cánh tay robot có chức năng sàng lọc và phân tích mẫu phân của phạm nhân, nhất là các thành viên mới để phát hiện hành vi buôn lậu, như đối với thuốc phiện – nhiệm vụ trước đây vốn do người (đeo bao tay và cầm que gỗ) đảm nhận. Một thiết bị khác là loại vòng đeo tay được SCMP mô tả là “tương tự với nhiều sản phẩm fitness đang bán trên thị trường”, có chức năng theo dõi vị trí và biểu hiện của tù nhân để cảnh báo các quản ngục nếu nhận thấy có bất cứ dấu hiệu nào khác lạ, chẳng hạn một phạm nhân nào đó bất chợt bị thương tích.

Trong khi đó, một nhà giam khác là Pik Uk Prison lại đang thử nghiệm hệ thống giám sát video thông minh, gồm có 12 camera kết nối với màn hình được trang bị tính năng theo dõi và phân tích dữ liệu, có khả năng phát hiện các hành vi bất thường – như việc tù nhân cố ý tự hành hạ mình đến mức suy sụp – để phát tín hiệu cảnh báo.

Nếu việc Sở Cải huấn giao nhiệm vụ xét nghiệm phân cho robot sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề gì nghiêm trọng thì những tranh cãi phát sinh, nếu có, chủ yếu sẽ nằm ở hai công nghệ còn lại. Trên thực tế, 2 trong số 12 camera tại nhà tù Pik Uk sẽ được bố trí ở khu vực phòng vệ sinh; và trong lúc Chánh thanh tra cảnh sát cấp cao (senior superintendent) Ng Chiu-kok nói với SCMP rằng một phần hình ảnh ghi lại trong toilet (có nội dung không phù hợp) sẽ bị che đi, thì một đoạn video do SCMP thu thập được lại không cho thấy: nó đã được tự động che đi phần nhạy cảm ngay trong lúc ghi hình hay qua xử lý lại về sau. Bên cạnh đó, chiếc vòng đeo tay, không nghi ngờ gì, chắc chắn sẽ thu thập những dữ liệu nhạy cảm nhất như sinh trắc học của phạm nhân. “Sở Cải huấn sẽ lưu trữ và sử dụng các thông tin này như thế nào, liệu chúng có nguy cơ bị lạm dụng hay không là một đề tài vô cùng nhạy cảm” - nhà lập pháp Hongkong chuyên về các vấn đề phúc lợi xã hội Shiu Ka-chun, cho biết. Ở đây, “họ cần phải chỉ chính xác vòng tay sẽ thu thập những dữ liệu gì” để có thể trấn an dư luận.

Quyền riêng tư của phạm nhân luôn là một chủ đề gây tranh cãi đối với giới lập pháp. Ảnh: Digitalroads.com.

Quyền riêng tư của phạm nhân luôn là một chủ đề gây tranh cãi đối với giới lập pháp. Ảnh: Digitalroads.com.

Năm 2018, 2 tù nhân ở Hongkong đã chết vì tự sát, trong khi 48 người khác thì tự tìm cách làm hại bản thân mình, cho nên nếu Sở Cải huấn có thể cân bằng giữa quyền riêng tư của phạm nhân với sự an toàn của họ, thì đó rất có thể sẽ trở thành một hình mẫu cho nhà tù thông minh tương lai.