Startup này đang muốn phát triển cơ sở khách hàng tại Singapore, Việt Nam và Indonesia; đồng thời mở rộng sang các thị trường khác ở Đông Nam Á.

Jeffrey Liu and Justin Louie. Image Credits: Jenfi
Hai nhà đồng sáng lập Jeffrey Liu and Justin Louie. Image Credits: Jenfi

Jenfi, một startup fintech Singapore chuyên cung cấp nguồn vốn tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừathông báo đã huy động được 6,6 triệu USD trong vòng tiền Series B do Headline Asia dẫn đầu. Một số quỹ đầu tư tham gia vòng này có Monk's Hill Ventures, ICU Ventures, Granite Oak, Korea Investment Partners & Golden Equator Capital và Atlas Ventures.

Năm 2019, Jeffrey Liu và Justin Louie đã thành lập nên Jenfi, sau khi họ bán startup GuavaPass của mình cho ClassPass. Cả hai nhận ra rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đông đảo trong các nền kinh tế và không phải lúc nào họ cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính phù hợp. Có đến 40% doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất và 88% bị thu hẹp thị trường. Thậm chí, có hơn 52% doanh nghiệp đối mặt với việc cắt giảm lao động để duy trì kinh doanh.

Doanh nghiệp cần dòng tiền để xoay sở nhưng vướng phải nhiều rào cản về thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó, hệ thống lãi kép và phí ẩn của các đơn vị cho vay trở nên một trong những rủi ro khiến doanh nghiệp càng thêm gánh nặng.

Các doanh nghiệp đăng ký vay từ Jenfi có thể nhận được khoản hỗ trợ từ 10.000 USD đến 1 triệu USD để chi tiêu cho các chiến dịch tiếp thị, giải quyết hàng tồn kho và tăng trưởng. Liu chia sẻ với TechCrunch rằng tổng doanh thu mà các công ty trong danh mục hỗ trợ của Jenfi tạo ra hiện ở mức hơn hơn 150 triệu USD. Các công ty này có mức tăng trưởng bình quân 8,1%/tháng (tương đương với 156%/năm)

Một điểm khác biệt giữa Jenfi so với các đối thủ cạnh tranh khác đó là tính linh hoạt trong các kế hoạch trả nợ. Thay vì trả góp một khoản tiền cố định hằng tháng, công ty sẽ trả nợ dưới hình thức phần trăm doanh thu trong tương lai, tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh. Thời gian trả nợ kéo dài từ 3 đến 12 tháng và được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp. Số tiền hoàn trả dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu được xác định trước, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh. Liu cho biết mức giá minh bạch, không có phí ẩn.

Khi xem xét khoản vay, Jenfi giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những áp lực về những thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp và điểm tín dụng. Họ căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp để xét duyệt khoản vay tương ứng. Đối với đội ngũ Jenfi, năng lực kinh doanh là yếu tố then chốt để xác định tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Bốn năm qua, Jenfi đã cho khoảng 600 công ty - trong đó có Gushcloud, Ralali, Hello Health, Lamer Fashion, Buy2sell và Mystifly - vay hơn 25 triệu USD.

Khoản tài trợ mới sẽ được Jenfi sử dụng để phát triển cơ sở khách hàng tại Singapore, Việt Nam và Indonesia; đồng thời mở rộng sang các thị trường mới ở Đông Nam Á, như Malaysia, Philippines và Thái Lan. Jenfi đồng thời cũng dùng số tiền này vào việc “điều chỉnh khả năng đánh giá rủi ro và bảo lãnh tín dụng của mình, bao gồm cả công cụ độc quyền giúp đánh giá rủi ro.”

Công cụ đánh giá rủi ro độc quyền của Jenfi được tích hợp vào các nguồn dữ liệu như phần mềm kế toán, cổng thanh toán, nền tảng thương mại điện tử, thị trường trực tuyến và quảng cáo trực tiếp. Điều này giúp Jenfi có thể liên tục theo dõi hoạt động kinh doanh của bên vay, bao gồm tăng trưởng doanh thu và lợi tức đầu tư tiếp thị.

Trong tương lai, Jenfi sẽ bổ sung thêm nhiều nguồn dữ liệu thị trường mang tính nội địa, bao gồm nền tảng quản lý bán hàng Haravan và phần mềm quản lý POS KiotViet tại Việt Nam, dữ liệu tại các ngân hàng ở Singapore, Việt Nam và Indonesia. Những dữ liệu tổng hợp này giúp Jenfi hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng và các kịch bản có thể xảy ra. Công ty cũng có kế hoạch phát triển một nền tảng công nghệ hỗ trợ cho các bên thứ ba sử dụng các mô hình tính điểm độc quyền của mình trong cơ sở hạ tầng riêng của họ.