Trả lời độc giả Diệp Phạm Phương Uyên (
Khoa học và Phát triển số 40) về cách ứng dụng IoT quản lý sản xuất sâm Ngọc Linh trong đề xuất của ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam (Khoa học và Phát triển số 36), ông Bửu khẳng định, đây là xu hướng của tương lai.
Vườn trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Ảnh do Sở KH&CN Kon Tum cung cấp
“Nông nghiệp vốn là lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, việc đảm bảo đủ lương thực luôn là vấn đề toàn cầu. Ngành nông nghiệp phải tìm phương thức tốt hơn để tăng hiệu quả sản xuất. Cách duy nhất là áp dụng công nghệ mới” - ông Bửu nói và cho biết, huyện Nam Trà My đang xây dựng phương án ứng dụng IoT để quản lý quy trình trồng và thu hoạch sâm Ngọc Linh. Hệ thống hướng tới việc thu thập số liệu, tổng hợp và phân tích dựa trên thống kê khoa học, giúp người trồng kiểm soát, điều chỉnh các yếu tố liên quan để đạt hiệu quả canh tác cao.
Hệ thống thiết bị cảm biến, đo đạc công nghệ cao sẽ kết nối với nhau, tích hợp các công nghệ tiên tiến giúp thu thập dữ liệu, kết nối với hạ tầng thông tin để truy xuất dữ liệu, phân tích và đưa ra quyết định tối ưu hóa lượng nước, lượng phân bón, tự động hóa các hoạt động trồng trọt hằng ngày và cung cấp giải pháp theo dõi theo thời gian thực. Nhờ đó, nông dân có thể kiểm soát và duy trì các điều kiện dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các cây trồng có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, theo ông Bửu, hệ thống IoT cũng có thể theo dõi dịch bệnh; tăng cường bảo đảm an ninh cho các khu vực canh tác và hỗ trợ phân phối sản phẩm.