Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” mà Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa cấp cho sản phẩm sâm củ ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có thể xem là lá bùa bảo vệ thương hiệu, danh tiếng đối với sản phẩm có giá từ 45-120 triệu đồng/kg này.

Nhiều tính năng trội hơn sâm Hàn Quốc

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam - cho biết sâm Ngọc Linh là loài cây bản địa đặc hữu của núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, được phát hiện ở độ cao 1.500-2.700m. Các yếu tố tự nhiên đặc thù ở đây như độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật, độ che phủ… tạo nên dược tính vượt trội của loài này.

“Các nghiên cứu cho thấy sâm Ngọc Linh tương đồng với sâm Triều Tiên về các tác dụng tăng lực, tăng miễn dịch, chống lão hóa, bảo vệ tế bào gan, chống ung thư… Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có tác dụng kháng khuẩn, chống stresss, giảm trầm cảm, lo âu mà các loại sâm khác không có. Vì vậy, nó là dược liệu đầy triển vọng phục vụ ngành dược. Chất lượng sâm tốt nhất nếu được thu hoạch sau 5 năm” - ông Tích nói.

Vườn trồng sâm ngọc linh ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC

GS-TS Nguyễn Minh Đức - Đại học Y - Dược TPHCM, người trực tiếp nghiên cứu, kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh - cho biết, sâm Ngọc Linh hiệp lực tốt với kháng sinh và thuốc trị tiểu đường: “Tôi dùng nó như một vị thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Hiệu quả nằm ngoài sức tưởng tượng! Một số người Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi có thương hiệu sâm nổi tiếng - bị ung thư đã xạ trị nhiều lần, sau khi dùng sâm Ngọc Linh đã khỏi. Nhiều bệnh nhân từ châu Âu, Mỹ cũng tìm đến sâm Ngọc Linh. Vì thế, việc bảo vệ tên tuổi của loài sâm quý này hết sức quan trọng”.

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục trưởng Cục SHTT – cho biết: “Tuy mới được phát hiện năm 1973 nhưng từ xưa, sâm Ngọc Linh đã được dùng phổ biến trong các bài thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ”.

Được gì từ CDĐL sâm Ngọc Linh?

“Từ nay, khi mua sâm Ngọc Linh được bảo hộ CDĐL, người tiêu dùng có thể tin sản phẩm này đã được đảm bảo chất lượng và độ an toàn” - bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở KH&CN Kon Tum nói. Theo bà, CDĐL là nhân tố quan trọng giúp bình ổn chất lượng và phát triển danh tiếng sâm Ngọc Linh cũng như bảo tồn, phát triển loài cây này, là công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh và phát triển hình ảnh sản phẩm.

Bà Tuyết cũng cho rằng, CDĐL này khi được biết đến rộng rãi sẽ giúp cải thiện đời sống cho người sản xuất, làm giàu cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, thành phẩm, các công ty vận tải… tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm. CDĐL sâm Ngọc Linh cũng sẽ góp phần cải thiện nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy các lợi thế riêng có của địa phương.

CDĐL thuộc 2 tỉnh - bài toán về quản lý

Sâm Ngọc Linh là CDĐL thứ 49 mà Việt Nam bảo hộ, cũng là sản phẩm CDĐL đầu tiên của Việt Nam nằm trên địa bàn 2 tỉnh. Hiện cây này được trồng trên 300ha tại 7 xã ở Kon Tum và 250ha thuộc 600 hộ trồng sâm ở 3 xã của Quảng Nam.

Infographic vùng phân bố sâm ngọc linh tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Thiết kế: IDEA Trần

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, UBND tỉnh là cơ quan xây dựng thể chế, tổ chức quản lý và sử dụng CDĐL. Trong điều kiện CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ được bảo hộ ở hai tỉnh, việc quản lý sẽ đặt ra nhiều vấn đề hơn. “Hai tỉnh cần thống nhất phương án tổ chức và quản lý, đặc biệt là quy định liên quan đến quyền sử dụng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, sự kiểm soát nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân ở hai địa phương” - Thứ trưởng nói.

Ông Trần Việt Thanh cũng cho biết, Bộ KH&CN đã phê duyệt dự án đầu tư 567 tỷ đồng từ năm 2014 đến 2018 nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia, xây dựng trung tâm nghiên cứu quốc gia về sâm Ngọc Linh, nhà máy chế biến sâm, vườn giống gốc với quy mô 20ha; xây dựng quy trình công nghệ nhân giống, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh.

“Bộ KH&CN sẽ đồng hành với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát huy tối đa vai trò của công cụ bảo hộ SHTT” - ông Thanh nói.



“Lược sử” sâm Ngọc Linh

Ngày 18/3/1973: Cây sâm Ngọc Linh được nhóm điều tra dược liệu của dược sỹ Đào Kim Long phát hiện ở độ cao 1.800m trên núi Ngọc Linh.

Năm 1985: Cây sâm Ngọc Linh được xác định là một loài nhân sâm mới, được đặt tên là Panax vienamensis Ha.Et. A.G.Ruski.

Ngày 15/12/2008: Cục SHTT ký hợp đồng với Sở KH&CN Kon Tum triển khai dự án xây dựng CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam.

Ngày 25/7/2011: Sở KH&CN Kon Tum nộp đơn đăng ký CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam.

Ngày 23/7/2015: Bộ KH&CN, UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo về việc đăng ký CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam.

Ngày 17/11/2015: Sở KH&CN Kon Tum ký hợp đồng với Viện Thổ nhưỡng nông hóa về việc hợp nhất cơ sở khoa học phục vụ đăng ký CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh.

Ngày 16/8/2016: Cục SHTT có quyết định số 3235/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam.

Nguồn: Sở KH&CN Kon Tum