Tính năng video ngắn Reels, được cho là bắt chước TikTok, đã giúp ứng dụng Instagram lấy lại vị thế từng mất vào tay đối thủ thuộc sở hữu của Trung Quốc. Instagram quay trở lại vị trí ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới.

Ứng dụng chia sẻ ảnh và video của Meta ra mắt vào năm 2010 và nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nó đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong những năm gần đây, kể từ khi TikTok, nền tảng video ngắn xuất hiện. Vừa mới ra mắt, TikTok đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt và là ứng dụng tải xuống phổ biến nhất trên toàn cầu từ năm 2018 đến năm 2022.

Năm 2020, Instagram cho ra mắt tính năng video dạng ngắn, Reels. Mặc dù bị nhiều người cho là bắt chước TikTok nhưng đó chính là tính năng đã giúp Instagram lội ngược dòng thành công. Ứng dụng này đã được tải xuống 767 triệu lần trên toàn thế giới vào năm 2023, tăng 20% so với năm trước đó. TikTok thì chỉ tăng 4% với tổng lượt tải xuống733 triệu.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Công ty tình báo thị trường Sensor Tower, nơi tổng hợp dữ liệu nêu trên, cho biết sự hồi sinh của Instagram "có thể được thúc đẩy bởi sự phổ biến của tính năng Reels", cũng như các chức năng khác bao gồm chia sẻ ảnh và tính năng video biến mất sau 24h, Stories. Dù thực chất đó rõ ràng cũng là một tính năng được sao chép từ ứng dụng Snapchat.

Theo Farhad Divecha - chủ sở hữu và giám đốc điều hành của công ty tiếp thị kỹ thuật số Accuracast có trụ sở tại Vương quốc Anh, Instagram đã thành công từ việc phản ứng nhanh với mối đe dọa TikTok và tạo được sức hấp dẫn với nhiều tập người dùng khác nhau. “Tôi nghĩ một điều mà Instagram có lợi là nó thu hút đối tượng người dùng rộng hơn và không khiến mọi người liên tưởng rằng ‘ứng dụng này chỉ dành cho trẻ em’ giống như TikTok”, ông nói.

Theo số liệu thống kê của Sensor Tower, Instagram có gần 1,5 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng, trong khi TikTok chỉ hơn 1,1 tỷ. Tuy nhiên, người dùng TikTok lại hoạt động tích cực hơn, họ dành trung bình 95 phút mỗi ngày để truy cập vào ứng dụng, so với 62 phút của Instagram.

Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook và giám đốc điều hành của Meta, công ty mẹ của Instagram, đã xác định TikTok là một mối đe dọa cạnh tranh nguy hiểm. Năm 2022, có thông tin cho rằng Meta đã trả tiền cho một công ty tư vấn để tạo ra sự ngờ vực của công chúng đối với ứng dụng đến từ Trung Quốc.

TikTok cũng phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của chính quyền Mỹ do những lo ngại về an ninh, dữ liệu và về khả năng rò rỉ thông tin người dùng Mỹ cho Trung Quốc. Đầu tháng này, một nhóm các nhà lập pháp của lưỡng đảng đã ra một dự luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, có trụ sở tại Bắc Kinh, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng, nếu không sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Nguồn: