Robot phẫu thuật có thể chữa trị cho các phi hành gia trên những chuyến bay dài ngày, hoặc hoạt động ở những nơi thiếu vắng bác sĩ phẫu thuật như vùng nông thôn hay vùng chiến sự.

Các nhà khoa học đã gửi một robot phẫu thuật cỡ nhỏ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để thực hiện một cuộc phẫu thuật mô phỏng do chuyên gia dưới mặt đất hướng dẫn từ xa. Nghiên cứu muốn tìm hiểu xem có thể thực hiện phẫu thuật thế nào trong các chuyến du hành vũ trụ dài ngày đưa người lên Mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa, cũng như ngay trên Trái đất ở những nơi thiếu bác sĩ phẫu thuật.

Robot tên MIRA đã được đưa lên trạm ISS vào ngày 30/1 cùng một loạt các thí nghiệm khoa học khác, và đã tới nơi vào ngày 1/2. Thiết bị chỉ nặng 900 gram, tức là nhẹ hơn các công nghệ người máy phẫu thuật hiện có gần 1.000 lần. MIRA có hai cánh tay robot, một máy quay phim và công nghệ từ xa.

MIRA, robot phẫu thuật đầu tiên trên trạm ISS, là thành quả nghiên cứu và phát triển của công ty Virtual Incision Corporation trong gần 20 năm qua. Theo Shane Farritor, kỹ sư sáng tạo robot kiêm người đồng sáng lập công ty, phải lâu nữa thì MIRA mới có thể thực hiện phẫu thuật từ xa trên bệnh nhân thật, bước đầu tiên là phải chứng minh công nghệ hoạt động được.

Kĩ sư của Đại học Nebraska, Mỹ đang đặt cánh tay robot vào hộp đựng. Một bác sĩ phẫu thuật trên Trái Đất sẽ hướng dẫn robot từ xa để thực hiện một cuộc phẫu thuật mô phỏng trên Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: Craig Chandler
Kĩ sư của Đại học Nebraska, Mỹ, đang đặt cánh tay robot vào hộp đựng. Một bác sĩ phẫu thuật trên Trái đất sẽ hướng dẫn từ xa để robot thực hiện một cuộc phẫu thuật mô phỏng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: Craig Chandler

Tới đây, một bác sĩ phẫu thuật tại Lincoln, Nebraska, Mỹ, sẽ hướng dẫn MIRA trong một ca phẫu thuật mô phỏng bằng công nghệ điều khiển từ xa. MIRA sẽ dùng tay trái để giữ và tay phải để mổ. Các phẫu thuật thử nghiệm ban đầu sẽ được thực hiện trên băng cao su. Nhóm nghiên cứu sẽ kiểm tra ảnh hưởng của môi trường không trọng lượng trên ISS đối với các bước phẫu thuật. Họ cũng muốn tìm hiểu xem robot có thể được dùng như thế nào trên mặt đất, như ở vùng nông thôn hay trên chiến trường.

Một thách thức đối với phẫu thuật mô phỏng là đường truyền có thể bị gián đoạn, vì tín hiệu phải được thu và phát từ trạm ISS cách Trái đất hơn 400km. Theo công ty Virtual Incision, hiện nay khoảng 10% các phòng phẫu thuật có trang bị robot, và bác sĩ phẫu thuật thường có mặt tại nơi diễn ra thủ thuật. Công ty này hi vọng trong tương lai, các bác sĩ phẫu thuật sẽ điều khiển MIRA qua bảng điều khiển. MIRA sẽ trở lại Trái đất vào mùa xuân, và sẽ mất khoảng một năm trước khi kết quả thí nghiệm được công bố.

Ngoài MIRA, một số thí nghiệm khác cũng được gửi tới ISS, bao gồm máy in 3D tạo ra các bộ phận kim loại nhỏ, một cánh tay robot bổ sung và các thí nghiệm để sản xuất võng mạc nhân tạo và tái tạo mô sụn trong không gian.

Nguồn: