Cả 2 mẫu xe ăn khách đều sản xuất trong nước, Morning có lợi thế về giá trong khi i10 được nhiều người chuộng nội thất rộng.

Ngày 5/7, Hyundai Thành Công ra mắt Grand i10 lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình, với mức giá từ 340-435 triệu, giảm khoảng 8-10% so với bản nhập khẩu trước đó. Câu hỏi giới truyền thông đặt ra là "Trường Hải sẽ làm gì trong bối cảnh này?".

>> Xem thêm: XE “HOT” NHẤT TUẦN: Bảng giá xe máy Honda, Yamaha tháng 7; 10 ôtô bán chạy nhất tại Việt Nam

Câu trả lời có luôn trong ngày. Trường Hải áp dụng mức giá mới cho Kia Morning từ 5/7, mỗi phiên bản giảm 5 triệu so với tháng 6, giúp xe có khoảng giá mới là 316-402 triệu, thấp hơn khoảng 30-40 triệu so với Grand i10 mới. Cuộc chiến vốn đã căng thẳng, lại như "thêm dầu vào lửa".

>> Xem thêm: Top 10 xe điện và hybrid rẻ nhất thế giới

chon-grand-i10-hay-morning-cuoc-chien-xe-han-tai-viet-nam

Grand i10 mới, xe có cả hatchback và sedan.

Trong lễ ra mắt, lần đầu tiên Hyundai Thành Công công bố số liệu bán hàng. Trong 2016, hãng này bán 22.258 xe Grand i10 cho khách Việt, trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường, cao hơn cái tên về nhì là Toyota Vios với 17.561 xe. Kia Morning cũng có số bán rất tốt trong 2016, ở mức 14.872 xe, kém i10 khoảng hơn 7.000 xe.

Với phần đông khách hàng, i10 và Morning là 2 lựa chọn ưu tiên khi muốn mua xe cỡ nhỏ cho lần đầu. Chevrolet Spark hay Mitsubishi Mirage chỉ như lựa chọn thêm thắt, không đủ sức mạnh đe dọa thị phần của hai mẫu xe xuất xứ Hàn Quốc.

Cả Morning và i10 đều phù hợp cho khách hàng châu Á, với triết lý phát triển giống nhau, động cơ và trang bị cũng tương đối giống nhau. Cặp đôi này là trường hợp đặc thù trên thị trường khi khách hàng không có nhiều ý kiến trái chiều về độ đẹp-xấu của thiết kế và nhiều-ít của công nghệ như các phân khúc khác, đơn giản "ai thích xe nào, mua xe đó".

Trong khi Morning có vẻ ngoài gọn gàng, nhiều đường tròn có phần được khách hàng nữ ưa chuộng hơn thì i10 giữ đường nét cơ bản, trung tính phù hợp với cả hai. Kích thước là thứ khiến hai xe có sự phân biệt rõ hơn.

Grand i10 có dài, rộng, cao là 3,765 x 1,660 x 1,505 mm, trong khi Morning là 3.595 x 1.595 x 1.490 mm, chiều dài cơ sở i10 là 2.425 mm và Morning là 2.385 mm. Kích thước tất cả các chiều của i10 đều nhỉnh hơn Morning, khiến không gian nội thất của i10 được nhiều khách hàng đánh giá là ngồi thoải mái hơn Morning, dù ở phân khúc nhỏ sự khác biệt này là không quá rõ ràng.

Về tiện nghi, hai phiên bản cao nhất là i10 1.2AT và Morning Si AT cũng tương đương nhau. Grand i10 nhỉnh hơn ở 2 túi khí (Morning một túi khí), chìa khóa thông minh (Morning chìa khóa điện tử thông thường) thì Morning có điều hòa tự động (i10 điều hòa cơ). Cả hai đều có màn hình cảm ứng, kết nối Bluetooth.

chon-grand-i10-hay-morning-cuoc-chien-xe-han-tai-viet-nam-1

Giá của Morning rẻ hơn i10 khoảng 30 triệu.

Công nghệ an toàn đều chỉ có ABS và EBD, hai tính năng vừa đủ cho loại xe cỡ nhỏ. Động cơ 1.2 của i10 cũng tương đương 1.25 của Morning, công suất 86-87 mã lực và mô-men xoắn 120 Nm. Cảm giác lái của hai mẫu xe cỡ nhỏ cũng ở mức vừa phải, đủ linh hoạt khi đi trong đô thị, tất nhiên hơi đuối khi leo dốc cao hay muốn vượt trên đường cao tốc, ở những tình huống này, tài xế quen xe sẽ chủ động bù ga. Morning và i10 không có quá nhiều khác biệt về khả năng vận hành.

Những năm gần đây, i10 là lựa chọn của nhiều hãng taxi, đặc biệt khi Hyundai ra thêm bản sedan cùng tác động của dịch vụ vận chuyển hành khách phát triển như Grab, Uber. Theo Giám đốc bán hàng của Hyundai, bản sedan của i10 sẽ là lựa chọn tốt của những khách hàng mua xe để kinh doanh vận chuyển khách đường dài, ví dụ từ trung tâm thành phố ra sân bay bởi lợi thế cốp rộng chứa được nhiều hành lý. Nếu là xe hatchback, chỉ có thể chở khách xung quanh thành phố.

Trong khi đó, Morning trước đây cũng là lựa chọn của nhiều hãng taxi. Lợi thế trông thấy của Morning là chi phí sử dụng, sửa chữa và thay thế đồ khá rẻ. Nhiều khách hàng cho rằng xe nhập tốt hơn xe lắp ráp nhưng từ nay, cả i10 và Morning đều lắp ráp trong nước, nên yếu tố nguồn gốc sẽ không còn quá ảnh hưởng đến quyết định mua xe.

Trong cuộc chiến doanh số sắp tới, i10 lợi thế bởi tốc độ tăng trưởng cao, đang là gu theo "mốt" của người Việt ở cả khách hàng cá nhân và mua xe dịch vụ. Phía bên kia, Morning có số bán không kém cạnh với mức giá thấp hơn đáng kể so với i10, hưởng lợi từ những gói ưu đãi mà Trường Hải áp dụng.

Phía sau doanh số, thị phần và lời lãi trước mắt, đó còn là những tính toán đường dài của mỗi ông lớn. Grand i10 lắp ráp là bước đi đầu tiên của Thành Công trong chiến lược tập trung lắp ráp và xuất khẩu ngược xe ra khu vực ASEAN, khi thuế nhập khẩu về 0% vào 2018. Trường Hải hiện tập trung Mazda để xuất khẩu nhưng Kia vẫn nhận những ưu đãi đáng kể, đóng góp lớn vào doanh số và tiềm lực của ông lớn này.

Trong tương lai, nếu cả Thành Công và Trường Hải dần thu hút nhà sản xuất linh kiện vào Việt Nam, tăng tỷ lệ hàm lượng giá trị nội địa, giá xe càng có cơ sở giảm sâu, giúp các dòng xe cỡ A như Morning hay i10 tới gần hơn nữa túi tiền của người Việt.