Nhớ lại thời phổ thông cũng có lúc bỏ học chơi game rồi sau đó tốt nghiệp ngành CNTT, nhưng Giang Anh không nghĩ mình sẽ theo đuổi lập trình game. Cho đến một ngày khi người bạn rủ thi thử vào công ty Gameloft - một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực game, Giang Anh cũng nghĩ chỉ là đi cho vui, nhưng không ngờ cậu lại đậu và được nhận vào công ty với vị trí Tester (kiểm tra sản phẩm).
Sau 3 năm, Giang Anh rời bỏ Gameloft và cùng 5 bạn sáng lập công ty với số vốn chỉ là 150 triệu và 1 tháng đã tiêu hết trong khi sản phẩm vẫn chưa hình thành. Dừng lại hay tiếp tục? Thất bại hay thành công lúc đó đang là ranh giới mong manh của Giang Anh. Sau đó, bằng việc thuyết phục mẹ qua cuốn sách “Rich Dad, Poor Dad”, Giang Anh đã được mẹ ủng hộ và cầm cố nhà, đất cho tiếp tục dự án.
Lê Giang Anh - CEO của Jou Entertaiment. Nguồn: CEOBank
Năm 2013 khi ở độ tuổi 27, Lê Giang Anh bắt đầu với công ty khởi nghiệp có tên Joy Entertainment chuyên sản xuất các loại sản phẩm game mobile với số vốn đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đồng. Đối với nhiều người thì đây là sự lựa chọn khá rủi ro và mạo hiểm nhưng Giang Anh đã quyết tâm lựa chọn.
Một câu hỏi đặt ra cho Giang Anh: “Tại sao không theo hướng của Nguyễn Hà Đông với game Flappy Bird, đầu tư nhỏ nhưng có nguồn thu lớn mà lại quyết định làm những game cần nguồn vốn lớn, quy mô, nhiều đồ họa, lập trình...?” Giang Anh chia sẻ: “Mình rất khâm phục và đánh giá cao anh Nguyễn Hà Đông, nhưng tập người dùng của mình khác, game của mình hướng đến những người có kinh nghiệm và tựa game có tính đối kháng, cạnh tranh cao. Đặc biệt, mình thích làm tập thể hơn là một mình như anh ấy. Hơn nữa game dễ làm thì tính cạnh tranh rất cao, chỉ một số ít người thành công được như anh Nguyễn Hà Đông. Game của mình thì khó làm, tỷ lệ rủi ro cao nhưng nếu hoàn thiện, mức độ cạnh tranh cũng giảm đi, doanh thu tối đa mang lại cũng có thể cao hơn”.
Liên tiếp 3 năm liền, Lê Giang Anh và cộng sự đã phát hành thành công 2 tựa game ra thị trường quốc tế, trong đó sản phẩm được báo chí và các game thủ quan tâm nhất đó là “We are Heroes” mang hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt được tái hiện một cách sống động. Qua game, những người chơi biết được nhân vật có nguồn gốc từ Việt Nam, đây cũng là niềm vui của các bạn vì có thể giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Từ một chàng trai nghiện game và giờ lại đang khai thác mảng game phục vụ cho những người “nghiện” game liệu có thích hợp?
Giang Anh chia sẻ: “Việc chơi game và sao nhãng việc học hành là có thật. Tuy nhiên, chơi game cũng có những mặt lợi, nếu game phù hợp có thể nâng cao kiến thức, chơi game cũng để học tiếng Anh, biết thêm các kiến thức lịch sử, xã hội... Quan điểm của mình là cố gắng khai thác những khía cạnh tốt của game và phát triển theo hướng game dành cho mobile bởi 3 lý do chính: (1) Theo kinh nghiệm bản thân; (2) Theo xu hướng công nghệ thế giới (mobile game hiện đã vượt qua PC game); (3) Hạn chế tiêu cực bởi sử dụng mobile không thể chơi lâu do máy nóng, đòi hỏi wifi và trên mobile game thường là những trò ngắn, chơi theo section, phải đưa lên Appstore kiểm duyệt trước khi phát hành nên loại bỏ được những game không phù hợp.”
Năm 2014, những sản phẩm đầu tiên của Giang Anh đã được bán bản quyền ra thế giới, điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, rủi ro cho vòng đời sản phẩm. Trong khi ở trong nước liên tiếp chứng kiến nhiều nhóm sản xuất game trẻ như Weplay, Emobile phải dời cuộc chơi.
Đầu năm 2017, Giang Anh đã quyết định cùng 2 nhóm sản xuất game khác thành lập Horus Entertainment để bổ sung những hạn chế cho nhau và cùng nhau nghiên cứu, phát triển các game thể thao đối kháng. Mục tiêu xã hội là trở thành một công ty công nghệ có đủ năng lực để giải quyết những bài toán công nghệ hóc búa nhất ngay trước mắt, khởi đầu từ Việt Nam và rồi sẽ tiến xa ra thị trường khu vực và thế giới trong 5 năm tới.