Theo ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, thực tiễn công tác chống gian lận xăng dầu thường xuyên nảy sinh nhiều vấn đề mới mà cơ quan quản lý luôn phải tìm cách khắc phục, cố gắng tối đa để hạn chế bằng các giải pháp công nghệ. Cụ thể, hiện giải pháp về “hộp đen” mà Đồng Nai đề xuất đã được Bộ KH&CN đồng ý triển khai nghiên cứu để sớm đưa vào ứng dụng.
Theo đó, việc chế tạo hộp đen xăng dầu sẽ hướng tới mục tiêu tính toán được chính xác lượng xăng dầu thực tế bán ra của từng lượt bơm. Hộp đen này cũng sẽ thu thập chính xác số liệu của từng lượt bơm hiển thị trên màn hình gồm số lít hiển thị, đơn giá, thành tiền; thu thập chính xác ngày, giờ thực hiện và kết thúc lượt bơm và lưu toàn bộ dữ liệu của từng lượt bơm vào bộ nhớ.
Hộp đen này có thời gian lưu tối thiểu 1 năm, có thể chống được các hành vi phá hoại nhằm ngăn cản hộp đen hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.
Cùng với hộp đen này, một phần mềm đọc và xử lý dữ liệu cũng được xây dựng. Phần mềm này có thể đọc toàn bộ dữ liệu từ hộp đen xăng dầu, phân tích dữ liệu của từng lượt bơm, nhận biết được các hành vi gian lận của cơ sở kinh doanh. Cụ thể, để kiểm tra xem có gian lận về đo lường hay không, có thể tính sai số của từng lượt bơm dựa vào số lượng thực tế và số lượng hiển thị trên màn hình, nếu vượt quá sai số cho phép thì ghi kết quả đánh giá lượt bơm là “vượt quá sai số cho phép”. Để kiểm tra xem có gian lận về thay đổi đơn giá hay không, cần ghi nhận lượt bơm bắt đầu áp dụng đơn giá mới trên cơ sở so sánh đơn giá hiện tại với đơn giá của lượt bơm trước đó, nếu đơn giá hiện tại khác với đơn giá của lượt bơm trước đó thì đưa ra nhận xét “thời điểm thay đổi giá”. Sau đó, chỉ cần so sánh thời điểm áp dụng giá mới của doanh nghiệp so với thời điểm cho phép áp dụng giá mới của Nhà nước để nhận biết được hành vi gian lận về đơn giá.
Muốn kiểm tra xem có gian lận về cách tính thành tiền hay không bằng hộp đen, chỉ cần lấy số lượng hiển thị nhân với đơn giá hiển thị rồi so sánh với thành tiền hiển thị trên màn hình. Nếu giá trị thành tiền tính toán được vượt quá giới hạn làm tròn cho phép so với giá trị thành tiền hiển thị trên màn hình thì ghi kết quả đánh giá là “tính thành tiền vượt quá giới hạn cho phép”.
Từ phần mềm này có thể thống kê số lượng và số tiền gian lận của cột đo xăng dầu theo thời gian, phục vụ công tác thu hồi tiền gian lận của doanh nghiệp.
Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở KH&CN Đồng Nai - cho biết, hiện nay đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đang tập trung nghiên cứu dự án hộp đen xăng dầu. Về tiến độ thời gian, sẽ hoàn thành nghiên cứu trong năm 2016 và tổ chức thử nghiệm trong năm 2017. Nếu thành công sẽ đề nghị áp dụng vào năm 2018, đồng thời với việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn theo quy định của thông tư số 15/TT-BKHCN.
Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - cho biết, thời gian qua, nhiều biện pháp đã được áp dụng để hạn chế tình trạng gian lận trong kinh doanh, buôn bán xăng dầu. Ông Điệp cũng bày tỏ kỳ vọng, giải pháp công nghệ này sẽ góp phần vào việc thực hiện tốt thông tư 15 của Bộ KH&CN.
Theo TS Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - việc triển khai tốt các quy định của thông tư 15 cùng với việc tăng cường kiểm tra đặc thù về đo lường, chất lượng chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm nhằm thu lợi bất chính trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu hiện nay.