Chi phí mua phần mềm thiết kế đắt đỏ nhưng tần suất sử dụng lại chưa cao và thiếu nguồn nhân lực tại chỗ là hai khó khăn chính cùa ngành thiết kế và chế tạo vi mạch Việt Nam hiện nay, được nêu ra bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại một hội thảo quốc tế mới đây.

Ảnh: NACENTECH
Ban điều phối hội thảo. Ảnh: NACENTECH
Ngày 21/11, Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (IMET) và Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (NACENTECH, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Thiết kế và Sản xuất Vi mạch - WeFab 2018 với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, nhà phát triển, nhà sản xuất và nhà hoạch định chính sách.

Mục đích của Hội thảo nhằm tạo ra mạng lưới thúc đẩy ngành nghiên cứu và chế tạo vi mạch ở Việt Nam - nhóm ngành đứng hàng đầu trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định số 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những phần mềm thiết kế thuê chung, tại sao không?

Vi mạch (IC) là một là một sản phẩm công nghiệp cơ bản công nghiệp cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Theo Phó Viện trưởng NACENTECH Phạm Hương Sơn, nếu chủ động thiết kế được các dòng vi mạch điện tử, hay còn gọi là “gạo công nghiệp”, sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận đến 30%. Tại Hội thảo WeFab 2018, các doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn của mình, đồng thời đóng góp những đề xuất phục vụ sự phát triển của ngành công nghệ mũi nhọn này.

Một vấn đề chung mà đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo là sự đắt đỏ của bản quyền các phần mềm thiết kế, như ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Công nghệ tập đoàn MK - tập đoàn chuyên sản xuất thẻ thông minh cho ngân hàng, truyền thông và các sản phẩm bảo mật khác – bày tỏ, “Chúng tôi hết sức mong muốn có vi mạch made-in-Vietnam để đưa vào sản phẩm của MK thay vì phải dùng sản phẩm của Infinion, NXP… Bản thân MK cũng phải mua một số module của các công ty thiết kế vi mạch với chi phí rất cao.”

Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Thanh Yên của FPT IC Design Center (Trung tâm Thiết kế vi mạch FPT) tại Khu CNC Hòa Lạc, cho biết: “Việc mua license, IP [các phần mềm thiết kế] là cực kỳ đắt đỏ và đôi khi tần suất sử dụng không cao. Ở Việt Nam có rất ít công ty chịu được mức chi phí phần mềm trong thiết kế IC.”

Trước thực tế đó, ông Yên đề xuất nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đầu tư ban đầu như mua bản quyền các phần mềm thiết kế để dùng chung. “Doanh nghiệp sử dụng sẽ trả tiền thuê giống như Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã hỗ trợ cộng đồng khoa học trong việc tải tài liệu quốc tế mấy năm trước đây. Khi thị trường đủ lớn, doanh nghiệp đủ mạnh, chắc chắn họ sẽ phải mua license riêng cho phù hợp.”

Ông Yên cũng nhấn mạnh, việc nhà nước bảo trợ sẽ góp phần điều tiết sự chuyên nghiệp hóa trong thiết kế, chế tạo sản phẩm để tránh sự trùng lặp, lãng phí.

Đồng ý với quan điểm này, ông Bùi Việt Sơn của Viettel IC Design Center (Trung tâm Thiết kế vi mạch Viettel) cho rằng, việc có quá nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư vào thiết kế và chế tạo vi mạch chưa hẳn đã là điều hay, nếu thiếu sự hỗ trợ chính sách, tập hợp cộng đồng vi mạch của một cơ quan quản lý nhà nước để lựa chọn đầu tư và đưa ra những sản phẩm có giá trị và được thị trường chấp nhận.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành thiết kế, chế tạo vi mạch, ông Nguyễn Đức Minh, chuyên gia phát triển công nghệ Công ty Solmates, Hà Lan - chuyên chế tạo thiết bị lắng đọng dùng laser xung để tạo màng mỏng phục vụ công đoạn chế tạo vi mạch - nói: “Những công ty như Solmates ở Hà Lan rất nhiều. Công nghệ càng cao, hứa hẹn tạo ra nhiều lợi ích thì càng nhiều rủi ro khi triển khai. Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi phải dựa vào mối quan hệ với trường đại học, viện nghiên cứu, sử dụng cơ sở hạ tầng, sử dụng nguồn nhân lực trẻ tài năng của các nhóm nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần phải làm việc với những người khổng lồ trong công nghệ, thể hiện được giá trị của bản thân, khả năng tạo thị trường của sản phẩm để tận dụng nguồn vốn đầu tư, kỹ năng quản lý của họ để phát triển công ty.”

Cần nguồn nhân lực tại chỗ

Tại hội thảo, đại diện của nhiều công ty cũng trình bày về tình trạng thiếu hụt kỹ sư thiết kế vi mạch.

Ảnh: NACENTECHTrao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: NACENTECH

Ông Bùi Việt Sơn của Viettel IC Design Center cho biết, Trung tâm của ông rất khó tuyển dụng những kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo gắn sát với yêu cầu thực tế, được trang bị cả về phần cứng và phần mềm để phục vụ cho những dự án lớn, sản phẩm cốt lõi.

Còn ông Trịnh Đình Huề, Giám đốc Thiết kế Công ty ActiveSemi của Mỹ tại Việt Nam, thì nhấn mạnh, “Chúng tôi rất cần sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ”. Ông cho biết, để tìm kiếm và xây dựng nguồn nhân lực, công ty của ông đã cấp những chương trình học bổng và hợp tác về đào tạo với một số trường đại học.

Trong khi đó, ông Mai Anh Tuấn, Giám đốc Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS (NACENTECH) thông tin, dự án phòng thí nghiệm của ông tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và chế tạo vi mạch bằng cách cung cấp các gói đào tạo ngắn hạn cho kỹ sư mới ra trường, sinh viên kỹ thuật từ năm thứ 4 trở đi về vi chế tạo, kỹ thuật phòng sạch, quang khắc, ăn mòn, những kỹ thuật đo lường, đánh giá linh kiện.

“Người kỹ sư, khi có khái niệm rõ ràng về những linh kiện đơn giản nhất là diode và bóng bán dẫn (transistor), sẽ thành thạo và tự tin trong thiết kế vi mạch, là tổ hợp của hàng triệu linh kiện đơn giản đó. Phòng thí nghiệm ‘mở cửa’ hết cỡ để phục vụ cộng đồng khoa học và công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại tại đây,” ông Tuấn khẳng định.