Gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe Indonesia đã từ bỏ tên riêng ở thị trường Việt Nam và Thái Lan.

Startup có giá trị lớn nhất Indonesia, Gojek, sẽ hợp nhất tên thương hiệu riêng ở Việt Nam và Thái Lan thành một nền tảng chung, nhằm đẩy mạnh hoạt động và mở rộng hình ảnh thương hiệu vượt ra khỏi thị trường quê nhà.

Động thái này diễn ra khi Gojek đang trong quá trình cạnh tranh với Grab - đối thủ sở hữu nền tảng tương tự và chiếm thị phần lớn hơn ở khu vực này.

Giờ đây, GoViet (tên ứng dụng của Gojek ở thị trường Việt Nam) và Get (tên ứng dụng của Gojek ở Thái Lan) sẽ sử dụng tên gốc của thương hiệu Gojek.

Gojek sẽ hợp nhất thương hiệu ở Việt Nam và Thái Lan về chung một nền tảng. Nguồn: Nikkei Asian Review

“Thông qua việc hợp nhất này, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tốt hơn và mở rộng hoạt động kinh doanh ở hai thị trường”, Andrew Lee, người đứng đầu mảng kinh doanh quốc tế ở Gojek trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review. “Quá trình này đã được thực hiện trong nhiều tháng. Kể từ giữa năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu chiến lược nâng cấp để tăng quy mô, phục vụ khách hàng tốt hơn”.

Gojek tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2018 và ra mắt ở Thái Lan năm 2019 dưới những tên thương hiệu riêng cho mỗi thị trường - GoViet và Get, đồng thời sử dụng các ứng dụng khác nhau.

Nadiem Makarim, nhà sáng lập Gojek và hiện đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia, cho biết, lúc mới vào thị trường Việt Nam, Gojek không muốn áp đặt một thương hiệu nước ngoài, mà thay vào đó, họ muốn công ty con ở đây “tự xác định danh tính của mình”.

Cách tiếp cận này khiến sự tương tác giữa các nền tảng của Gojek ở mức thấp: người dùng phải tải các ứng dụng khác nhau tương ứng với mỗi quốc gia họ đến. Việc hợp nhất tên thương hiệu và nền tảng công nghệ sẽ giúp “siêu ứng dụng” Gojek mang đến những dịch vụ mới hiệu quả hơn cho thị trường.

Gojek - công ty siêu kỳ lân (decacorn - những startup có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên) của Indonesia là một “lính mới” ở cả hai thị trường Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, Grab đã xuất hiện ở Thái Lan từ năm 2013 và Việt Nam từ năm 2014. Mặc dù dịch vụ của Gojek và Grab không có nhiều khác biệt, Gojek phải xoay xở để tìm cách bắt kịp với startup có giá trị lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi Grab chỉ có một thương hiệu và một ứng dụng chung cho cả 8 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, thương hiệu Gojek chỉ được sử dụng ở Indonesia và Singapore.

Động thái hợp nhất tên thương hiệu ở hai thị trường Việt Nam và Thái Lan cho thấy Gojek quyết tâm chinh phục những thị trường mới ngoài quê nhà Indonesia, đặc biệt sau khi củng cố mặt tài chính gần đây. Công ty này đã nhận được khoản đầu tư mới từ gã khổng lồ công nghệ Facebook vào đầu tháng 6 và tuyên bố cắt giảm 9% lao động vào cuối tháng 6, nhằm giảm chi phí trong lúc phải vật lộn dưới áp lực của đại dịch Covid-19.

Lee mong muốn 50% số người dùng và số giao dịch đến từ ngoài Indonesia, và việc thống nhất thương hiệu là “một trong những cột mốc lớn với chúng tôi” trên con đường đạt mục tiêu này, ông nói. Việc đổi lại tên thương hiệu giúp doanh nghiệp “có nhiều khả năng ra mắt những sản phẩm mới và bước vào những thị trường mới”.

Việc đổi lại tên thương hiệu không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của các công ty con ở Việt Nam và Thái Lan, trong đó Gojek chiếm cổ phần kiểm soát. Vào thứ Sáu tuần trước, công ty mẹ Gojek đã bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập GoViet và từng là tổng giám đốc điều hành, trở thành tổng giám đốc của Gojek ở Việt Nam. Công ty con của Gojek ở Việt Nam đã không có nhà lãnh đạo chính thức kể từ tháng 9 năm ngoái, khi CEO thứ hai của công ty này từ chức.

Lee cho biết thêm, sau này khi tham gia vào những thị trường mới, Gojek cũng sẽ thống nhất sử dụng thương hiệu và nền tảng công nghệ Gojek. Hiện nay công ty đang đàm phán với chính quyền Philippines về việc bước vào thị trường này.

Gojek và Grab đang cạnh tranh để trở thành siêu ứng dụng đứng đầu khu vực, thu hút người dùng nền tảng của họ bằng cách tích hợp nhiều dịch vụ như gọi xe, thanh toán và giao đồ ăn. Cả hai đều nhận đước sự ủng hộ của một số công ty công nghệ lớn trên thế giới. Gojek nhận được sự hỗ trợ từ Facebook, Tencent và Google; trong khi Grab có sự hỗ trợ của tập đoàn SoftBank Nhật Bản thông qua Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD của tập đoàn này.