Nhóm nghiên cứu Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM kết hợp với Công ty TNHH STVG của Nhật Bản vừa nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ IoT kết hợp AI, giúp giám sát nhiệt độ nhanh, chính xác và cùng một lúc cho nhiều người tại những nơi như khu cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp,...
Ngày 25/5, tại TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM, tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Giải pháp công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng chống dịch Covid-19”.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà - Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, Trưởng nhóm nghiên cứu, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh chóng và ngày càng phức tạp. Trong khi đó, các giải pháp sàng lọc nguồn nguy cơ mang mầm bệnh trên thị trường chưa đạt hiệu quả toàn diện và lâu dài. Đa số các nơi vẫn sử dụng giải pháp máy đo nhiệt cầm tay với hiệu suất kiểm soát thấp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều nơi chưa triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giám sát và kiểm soát phòng ngừa dịch để nhanh chóng cập nhật và có giải pháp xử lý nhanh chóng, dập dịch kịp thời.
Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu, phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ IoT kết hợp AI, nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại những khu tập trung đông người trong phòng chống dịch Covid-19.
Hệ thống gồm máy đo nhiệt độ chính xác cao (± 0,3°C), ứng dụng công nghệ IoT báo cáo theo thời gian thực tế; module phần mềm kết nối máy/camera đo nhiệt độ với server để phân tích và nhận dạng người được đo. Trong đó, máy có thể đo nhiệt độ và nhận diện khuôn mặt ở khoảng cách từ 3 – 5m, phân tích nhanh với tốc độ 0,2 giây/người và độ chính xác hơn 95%; còn module phần mềm phân tích thống kê, dùng AI để đưa ra cảnh báo các khu vực bất thường và có nguy cơ đã có người mắc Covid-19 lọt ra cộng đồng. Trong trường hợp người được đo bị sốt, ngay lập tức sẽ có cảnh báo tại
chỗ, đồng thời hệ thống tự động gửi tin nhắn qua Zalo/SMS cho các bộ
phận quản lý.
TS Đà cho biết, giải pháp này hỗ trợ tốt việc giám sát nhiệt độ chính xác và cùng một lúc cho nhiều người, nên thích hợp sử dụng cho các khu vực công cộng, tập trung đông người như bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, siêu thị…, bảo đảm các khu vực này hoạt động bình thường mà ít tốn nhân lực kiểm tra và thời gian chờ đợi của mọi người. Ngoài ra, hệ thống còn có thể sử dụng cho việc giám sát cách ly tại nhà hoặc tập trung thông qua việc lắp trạm giám sát tại cổng ra vào các khu có người cách ly.
“Giải pháp công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo, giúp tiết kiệm tài chính và nguồn lực cho xã hội trong việc phòng chống dịch Covid-19 và góp phần “bình thường hóa” các hoạt động của xã hội để phát triển kinh tế”, TS Đà chia sẻ.
Dự kiến giải pháp sẽ được Bệnh viện Thống Nhất xem xét áp dụng trong thời gian tới.
Kiều Anh