Trước đây tại Algeria, tiền mua 1kg tôm tương đương 10% thu nhập trung bình hàng tháng của người dân. Thực tế này có thể sẽ thay đổi bởi mô hình nuôi tôm trên sa mạc Sahara mà nước này đang triển khai cho thấy triển vọng thành công.

Công nghệ nuôi tôm trên sa mạc

Algeria - quốc gia lớn thứ hai tại châu Phi, nổi tiếng với sa mạc Sahara và nguồn tài nguyên dầu mỏ - đang dần thay đổi quan niệm Sahara là vùng đất chết chỉ có cát và nắng. Họ đang tiến hành một dự án nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương tại khu vực Ouargla - nằm giữa sa mạc Sahara, cách bờ biển Địa Trung Hải khoảng 800km. Đây là một phần dự án ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với kinh phí 6 triệu USD do phía Hàn Quốc cấp. Ngoài ra, nước này cũng hỗ trợ chủ yếu về mặt kỹ thuật trong vấn đề nuôi tôm.

Kế hoạch xây dựng khu vực nuôi tôm này được khởi xướng vào năm 2011 và một số thử nghiệm sơ bộ về mặt sinh học đã được tiến hành khoảng 3 năm trước đó ở các vùng lân cận. Sau 4 năm xây dựng, đến tháng 8/2015, các cơ sở vật chất phục vụ cho dự án tại khu vực có diện tích khoảng 10ha - tương đương kích thước của 12 sân bóng đá - đã được hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nơi đây có mô hình tương tự một trung tâm nghiên cứu canh tác tôm, bao gồm các khối kiến trúc trong nhà và ngoài trời với trại nuôi tôm, các tòa nhà văn phòng và trung tâm nghiên cứu.

Trung tâm Nghiên cứu nuôi tôm được xây dựng ngay giữa sa mạc Sahara ở miền bắc Algeria với sự hỗ trợ của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhapnews

Mẻ tôm đầu tiên được thu hoạch vào ngày 26/1/2016 sau 110 ngày nuôi, với 500kg tôm có trọng lượng trung bình mỗi con 23gr. Thành công ban đầu này khiến Chính phủ Algeria lên kế hoạch để tiếp tục phát triển và mở rộng trang trại nuôi tôm trong khu vực ốc đảo của 5 tỉnh lân cận nhằm mục tiêu sản xuất được 2.000 tấn tôm vào năm 2020.

Biến chất thải thành thức ăn

Tiến sỹ In-kwon Jang - người quản lý dự án và nhóm của ông từ Viện Khoa học thủy sản Hàn Quốc chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ biofloc. Đây là công nghệ dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng, hiện đã trở nên phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương do giảm tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời cung cấp thức ăn cho tôm nuôi.

Theo ông In-kwon Jang, việc nuôi tôm tại Sahara hoàn toàn khả thi và có triển vọng to lớn bởi lẽ sa mạc này chứa một lượng nước ngầm lớn với nồng độ muối 4-5% phía dưới lớp cát. Nước ngầm này rất thích hợp cho trại nuôi tôm. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để quá trình nuôi không lãng phí nước. Kết quả, họ lựa chọn công nghệ biofloc và các kỹ thuật có thể tái chế 99% lượng nước ngầm được hút lên từ lòng sa mạc Sahara.

Theo tờ Modernfarmer, biofloc bắt chước các vòng lặp tự nhiên bên trong các hồ nuôi tôm và thủy sản. Vi sinh vật được đưa vào môi trường nuôi trồng thủy sản sẽ giúp gom các chất thải của tôm. Chất thải này sau đó được xử lý ngay trong bể nuôi để trở thành thức ăn cho động vật phù du. Sau đó, động vật phù du lại trở thành thức ăn của tôm. “Một gia đình hạnh phúc với sự kết hợp của những kẻ ăn chất thải” - tờ Modernfarmer nhận định.

Công nghệ này hoàn toàn khác biệt với các công nghệ nuôi tôm điển hình từ trước đến nay với việc chất thải được đổ vào sông, hồ, nước ngầm. Biofloc giúp lọc sạch nước để tiếp tục sử dụng. Một phần chất thải không thể sử dụng sẽ được loại bỏ, nhưng phần lớn sẽ trở thành thức ăn cho vi sinh vật, thủy sản và cuối cùng là cho tôm. Bởi các chất dinh dưỡng được tạo ra trong các vòng tuần hoàn nên lượng thức ăn chủ yếu dùng trong chăn nuôi tôm như bột cá có thể được cắt giảm đến hơn 50%.

“Theo các chuyên gia, các trại nuôi tôm trên sa mạc như mô hình ở Sahara sẽ là tương lai của ngành này. Bởi lẽ, hoạt động nuôi tôm sẽ góp phần biến đất sa mạc thành đất có thể canh tác và sẽ không phá hủy hệ sinh thái mong manh như các trại nuôi tôm ở khu vực Đông Nam Á - vốn đang tàn phá các cửa sông ngập mặn” - Modernfarmer cho biết.

Mô hình nuôi tôm này hiện đã lan tỏa ra nhiều vùng đất sa mạc và bán sa mạc như Nam Mỹ và đặc biệt là miền Trung Tây của nước Mỹ. Nhược điểm của nó là kinh phí đầu tư ban đầu lớn. Ngoài ra, các trại tôm phải duy trì được sự cân bằng cho các vi khuẩn biofloc nhằm đảm bảo chất lượng nước hoàn hảo đối với sự phát triển của tôm.

“Mô hình nuôi tôm trên sa mạc có thể là tương lai của nghề nuôi tôm. Khi đó, vấn đề đặt ra chỉ là nếu tôm và cá được nuôi trên sa mạc, liệu chúng ta có phải nghĩ ra một cái tên mới để gọi chúng thay vì gọi là hải sản (seafood) như hiện nay?” - tờ Modernfarmer hài hước bình luận.