Những ngày đầu năm 2016, Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk liên tiếp nhận tin xấu, đặc biệt là việc tên lửa Falcon 9 thử nghiệm thất bại, khiến kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của họ đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Falcon 9 “ngã” xuống biển
Ngày 18/1, những người mê khoa học vũ trụ dồn sự chú ý vào sự kiện hãng công nghệ SpaceX thử nghiệm tên lửa tái sử dụng Falcon 9. Trong lần phóng này, Falcon 9 hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là đưa vệ tinh theo dõi đại dương Jason-3 lên quỹ đạo.
Tuy nhiên, nó không thể hạ cánh an toàn xuống bệ đỡ trên Thái Bình Dương. Một chân của Falcon 9 không thể bật ra để giữ tên lửa đứng thẳng khiến nó bị đổ xuống biển, không thể tái sử dụng. Elon Musk lý giải: “Nguyên nhân có thể do băng tích tụ từ sương mù dày đặc khi tên lửa được phóng lên”.
Đây là thất bại thứ ba của Falcon 9. Trong hai lần thử nghiệm trước, tên lửa đều bị nổ tung.
Tháng 12/2015, Falcon 9 mới có được thành công khi hạ cánh an toàn và có thể tái sử dụng, nhưng chỉ là hạ cánh trên mặt đất, đơn giản hơn rất nhiều so với việc hạ cánh trên biển.
Vì sao Falcon 9 cứ nhất thiết phải hạ cánh trên biển và việc thử nghiệm tên lửa này lại được quan tâm đến thế? Mục đích của SpaceX là chế tạo tên lửa có khả năng tái sử dụng để chi phí vận chuyển hàng hóa lên các trạm vũ trụ giảm xuống mức thấp nhất, mở ra thời kỳ mới cho du lịch vũ trụ.
“Các tên lửa sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong vũ trụ và quay trở lại Trái đất sẽ có vận tốc rất lớn nên nhất thiết phải hạ cánh xuống mặt biển để đảm bảo an toàn cho nó và đặc biệt là cho người dân. Tuy nhiên, việc hạ cánh trên biển khó khăn hơn rất nhiều vì vị trí hạ cánh nhỏ hơn và không cố định” - Elon Musk cho biết.
Ngoài thất bại của Falcon 9, SpaceX còn đón nhận một tin xấu khác: NASA vừa công bố họ đã chọn thêm một nhà thầu cho dự án cung cấp hàng hóa và thiết bị lên trạm vũ trụ quốc tế giai đoạn 2 (CRS-2) từ năm 2019 và dự kiến kéo dài đến 2024. Đó là tập đoàn Sierra Nevada.
Trước đó, đối tác của NASA là SpaceX, Orbital ATK - hai công ty đã được chọn để thực hiện CRS-1 (từ năm 2008 đến 2016) và CRS-2.
Trong hợp đồng này, SpaceX nhận 1,6 tỷ USD cho 6 chuyến vận chuyển, trong khi Orbital ATK nhận 1,9 tỷ USD cho 8 chuyến vận chuyển. Giá trị của CRS-2 tăng lên 14 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, động thái của NASA không chỉ khiến SpaceX phải chia sẻ nguồn thu từ hợp đồng này mà còn cho thấy Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ muốn chia sẻ rủi ro sau khi cả hai công ty SpaceX và Orbital ATK đều gặp sự cố nổ tên lửa trong quá trình thực hiện dự án CRS-1, khiến trạm vũ trụ quốc tế thiếu hàng tiếp tế.
Đường lên sao Hỏa vẫn quá xa
Sau khi Falcon 9 hạ cánh an toàn xuống mặt đất ngày 22/12, Elon Musk: “Sự kiện này khiến tôi thêm tự tin về việc xây dựng thành phố trên sao Hỏa là hoàn toàn có thể”.
Tỷ phú Musk cũng tiết lộ mục tiêu đầy tham vọng là đưa 100 người đầu tiên lên sao Hỏa cùng 100 tấn hàng hóa. Kế hoạch này sử dụng một tên lửa cỡ lớn có tên Big F’n Rocket (BFR), được SpaceX kỳ vọng là tên lửa có khả năng tái sử dụng. Tuy nhiên, hãng còn nhiều việc phải làm sau khi Falcon 9 thử nghiệm thất bại. Thậm chí, nếu bỏ qua vấn đề này thì vẫn còn rất nhiều khó khăn lớn mà SpaceX phải giải quyết.
Không giống việc đưa tàu tự hành Curiosity nặng khoảng 1 tấn xuống bề mặt sao Hỏa, các chuyến bay có trọng tải 100 tấn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi khí quyển của sao Hoả quá loãng, mật độ chỉ bằng 1% khí quyển Trái đất, không thể giúp các tàu giảm tốc khi hạ cánh.
“Vận tốc của các tàu vũ trụ đến sao Hỏa gần đạt mach 5 (hơn 6.000km/h). Với công nghệ hiện tại, một tàu vũ trụ kích thước lớn khi bay vào bầu khí quyển của hành tinh này chỉ có 90 giây để giảm tốc từ mach 5 xuống mach 1 (hơn 1.234km/h), thay đổi và tái định hướng từ một tàu vũ trụ thành một thiết bị tiếp đất, bung dù và sử dụng động cơ đẩy để nhẹ nhàng tiếp đất. 90 giây không đủ cho tàu vũ trụ làm được điều này” - chuyên gia Rob Manning thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion (Mỹ) lý giải.
Hiện NASA đã khắc phục được vấn đề này ở mức độ nhỏ với công nghệ giảm tốc khí động học (HIAD).
“NASA đang phát triển và thử nghiệm công nghệ HIAD giúp các tàu vũ trụ có trọng lượng tối đa 22 tấn hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa” - Steve Gaddis - chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA - cho biết.
Hiện NASA chỉ kỳ vọng chế tạo thành công một tàu vũ trụ có trọng lượng 15-30 tấn cho kế hoạch chinh phục sao Hỏa.
Thế nên, con tàu có trọng lượng 100 tấn đến hành tinh đỏ của Elon Musk rất khó khả thi.
Giám đốc NASA Charles Bolden từng tuyên bố: “Không một công ty tư nhân nào đến được sao Hỏa mà không cần sự hỗ trợ từ NASA và Chính phủ Mỹ”.
Xem ra, ngay cả SpaceX của tỷ phú Musk - người luôn khiến tất cả phải sốc - cũng không ngoại lệ.