Ám ảnh chuyện robot giết người
Theo The
Guardian, sự cố trên xảy ra ngày 1/7/2015 tại một nhà máy của hãng xe hơi Volkswagen
ở Baunatal, Đức. Robot đã chộp lấy một công nhân, đập mạnh anh này vào mảnh kim
loại khiến nạn nhân bị thương và tử vong sau khi tới bệnh viện.
Ngay sau đó,
nhiều tờ báo đưa tin đây là vụ robot “giết người” đầu tiên hoặc giật tít “robot
giết chết công nhân” làm gợi lên hình dung về mối đe dọa robot đã chủ động tấn
công con người. Không những thế họ còn dẫn lại phát biểu của nhà khoa học
nổi tiếng Stephan Hawking về nguy cơ robot có trí tuệ nhân tạo (AI) thống
trị loài người trong 100 năm nữa.
Trước những
thông tin như vậy, nhiều người tỏ ra lo sợ việc robot có thể tấn công con người
như trong phim khoa học viễn tưởng. Trên mạng xã hội Twitter, những người hâm
mộ phim “Terminator” (Kẻ hủy diệt) tin robot dưới sự điều khiển của trí tuệ
nhân tạo “Skynet” vượt khỏi sự kiểm soát của con người sẽ sớm thành hiện thực.
Còn tờ Examiner liên tưởng tới phim “The Outer Limits” (Các giới hạn ngoài)
với tình tiết một robot bị xét xử do tấn công chính “cha đẻ” của mình.
Những thông tin
như vậy đã tăng thêm tâm lý ám ảnh về khả năng robot chính là thủ phạm gây chết
người ở Đức và những gì tương tự như vậy sẽ tiếp diễn.
Các
chuyên gia khoa học vào cuộc
Chỉ sau đó ít
lâu, ông Heiko Hillwig, phát ngôn viên của hãng Volkswagen, đã công bố kết quả
điều tra vụ việc. “Sự cố trên do lỗi của con người chứ không phải robot có vấn
đề. Đây chỉ là loại robot được lập trình sẵn để tóm, lắp ráp các bộ phận của ôtô
và được đặt ở khu vực cấm người tới gần”, ông Heiko Hillwig nói.
Các chuyên gia
cũng bác bỏ khả năng robot tấn công người một cách có ý thức. “Các robot không
tự hoạt động theo ý định của nó và không tấn công một ai đó trừ khi nó được lập
trình để làm như vậy”, giáo sư Noel Sharkey, chuyên gia về AI và robot tại Đại
học Sheffied (Anh) nhận định.
Như vậy robot ở
nhà máy Volkswagen không phải hung thủ. Ngược lại, nó chính là nạn nhân của
giới truyền thông, những người đã vội vã khẳng định nó giết người dù robot này
chỉ làm đúng với chức năng nhiệm vụ được lập trình của mình và sự cố là do lỗi
của con người.
Cần có
luật cho robot?
Giải thích của
các nhà khoa học là rất thuyết phục, tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài
nghi. Trên mạng xã hội, một số quan điểm cho rằng các robot ngày càng tinh vi
hơn nhờ có bộ não trí tuệ nhân tạo thì cần phải thực hiện luật buộc robot hành
động có đạo đức như nhà khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đề xuất.
Luật này có ba
điều: Thứ nhất, robot không được làm tổn hại đến con người hoặc qua hoạt động
đẩy con người tới sự tổn hại. Thứ hai, robot phải tuân theo mệnh lệnh của con
người, trừ trường hợp trái với điều luật thứ nhất. Thứ ba, robot phải bảo vệ sự
tồn tại của nó miễn là không mâu thuẫn với điều luật thứ nhất và thứ hai.
Tuy nhiên, theo
các chuyên gia, ngay cả khi robot ngày càng hiện đại hơn thì việc đặt ra vấn đề
cần có luật cho robot cũng không chính xác. Robot do con người tạo ra, cho nên
thay vì đặt câu hỏi “Cách nào tốt nhất để làm cho robot có đạo đức?” thì nên
hỏi “Cách nào có đạo đức nhất khi tạo ra robot?”. Cụ thể hơn là thay vì điều
chỉnh hành vi robot thì cần hướng tới điều chỉnh hành vi người thiết kế, sử
dụng robot.
“Chúng
ta không thể lấy cớ do robot có vấn đề mà cho rằng con người không có lỗi và
trách nhiệm. Ngay cả trong trường hợp tai nạn do robot gây ra thì lỗi vẫn là ở
con người. Đó có thể là lỗi lựa chọn vật liệu, lập trình kém, cài đặt bảng mạch
sai, hay thiết lập giao thức hoạt động nghèo nàn… khi tạo ra robot”, tiến sĩ
Ron Chrisley kết luận.