Tai tiếng sau bầu cử tổng thống Mỹ
Donald Trump vừa thừa nhận trên kênh CBS rằng mạng xã hội là yếu tố quan trọng giúp ông trở thành tổng thống Mỹ. Sẽ không có gì phải bàn nếu Facebook không bị một số nhà phê bình chỉ trích là đã không xử lý các thông tin sai, giả mạo, khiến chúng lan tràn, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg - đã phải đề cập đến vấn đề này hai lần sau bầu cử, đáng chú ý là một chia sẻ trên trang cá nhân: “Trong nội dung trên Facebook, hơn 99% những gì mọi người thấy là thực. Chỉ có một số rất nhỏ là tin tức sai và lừa đảo. Các tin đó tồn tại không giới hạn về quan điểm đảng phái hay chính trị”.
Tuy nhiên, theo tờ Gizmodo, khi vào Facebook, khó mà không nhìn thấy những thông tin giả như “Đặc vụ FBI điều tra vụ thư điện tử của bà Clinton chết trong vụ án mạng” hoặc “Giáo hoàng Francis gây sốc khi ủng hộ Donald Trump” với gần nửa triệu lượt chia sẻ, nguồn là các trang web không tên tuổi.
Facebook bị nghi ngờ về tính khách quan sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: Quartz
Thực tế, Facebook đã biết và quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí các nhân vật cao cấp của hãng từng tranh cãi về cách Facebook tiếp cận thông tin với vai trò là nhà phân phối tin tức lớn nhất ở Mỹ.
Theo một số nguồn tin của Gizmodo, các nhân vật cao cấp của Facebook đã xem xét phạm vi sản phẩm và chính sách để loại trừ sự xuất hiện của bất kỳ xu hướng chính trị nào trên Facebook. Họ đã được thông báo về một kế hoạch cập nhật bảng tin (News Feed) trên Facebook với khả năng xác định tin giả mạo hoặc chơi xấu, hạ cấp hoặc loại bỏ chúng khỏi News Feed.
Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị gác lại. “Họ hoàn toàn có công cụ để loại bỏ tin giả mạo” - một nguồn tin từ nội bộ Facebook cho biết và tiết lộ thêm rằng “có rất nhiều nỗi sợ về hệ lụy của hành động này”.
Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, Facebook đã không trả lời câu hỏi trực tiếp của Gizmodo về việc công ty đã xây dựng một bản cập nhật News Feed có thể nhận biết tin tức giả mạo hoặc chơi khăm, chỉ cho biết họ “không xây dựng và giữ lại bất cứ bản thay đổi News Feed nào vì tác động tiềm năng của nó đến đảng phái nào đó”.
Mark cho biết, ông muốn làm mọi thứ để đảm bảo đội ngũ của mình duy trì tính toàn vẹn của các sản phẩm. “Điều này bao gồm việc tiếp tục rà soát các cập nhật để đảm bảo chúng tôi không thiên vị một xu hướng thông tin nào cả” - Facebook tuyên bố trong email gửi Gizmodo.
Tờ New York Times vừa đăng một bài dẫn lời một số nhân viên Facebook: “Các vấn đề liên quan đến Chủ đề nổi bật (Trending Topics) làm tê liệt sự sẵn sàng của Facebook trong bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào có thể ảnh hưởng đến sự khách quan của nó”. Gizmodo cho biết nguồn tin của báo cũng có chung quan điểm đó.
Facebook có khách quan?
Cuộc tranh cãi bắt đầu vào tháng 5 khi Gizmodo đăng một bài báo, trong đó cựu nhân viên Facebook tiết lộ, xu hướng tin tức trên mạng xã hội này được điều hành bởi một nhóm biên tập viên thay vì là kết quả của thuật toán như công ty từng tuyên bố.
Một cựu phụ trách dự án cho biết họ thường xuyên thấy đồng nghiệp loại bỏ bài về những chủ đề bảo thủ. Facebook đã phủ nhận các cáo buộc và sa thải toàn bộ nhóm trên, sau đó kịch liệt đấu tranh để không bị coi là thù địch với quan điểm bảo thủ.
Vào tháng 5, Mark đã mời một nhân vật bảo thủ nổi tiếng tới cuộc họp tại công ty. “Mark cho biết Facebook có kế hoạch mời nhân vật bảo thủ hàng đầu và người dân thuộc mọi phe phái chính trị để nói về vấn đề này và chia sẻ quan điểm” - Joel Kaplan, phụ trách chính sách công toàn cầu của Facebook - viết.
Facebook cũng đã có nhiều động thái để kiểm soát thiệt hại như tung ra các thay đổi News Feed với hàng ngàn yếu tố để quyết định tin tức nào được người dùng nhìn thấy thường xuyên nhất. Trong tháng 6, công ty tung ra một số bản cập nhật để ưu tiên hiện thông tin từ bạn bè và gia đình, hạ cấp thông tin rác. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, bản cập nhật thứ ba với khả năng hạ cấp tin tức lừa bịp trên News Feed đã không được phát hành.
Những nỗ lực của Facebook đã cho kết quả trái ngược. Đầu năm nay, tờ Buzzfeed News đã nghiên cứu hàng nghìn bài viết, tin tức giả mạo trên Facebook và kết luận, số bài viết này giảm đáng kể trong năm 2015, nhưng sức lan tỏa của chúng lại tăng vọt trong năm 2016 - giai đoạn quyết định của cuộc bầu Tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi không thể đọc và kiểm tra mọi thứ. Việc chúng tôi đã làm là cho phép người dùng đánh dấu vào những thông tin không chính xác. Chúng tôi chủ yếu dựa vào cộng đồng để cảnh báo nội dung” - Mosseri, người đứng đầu bộ phận News Feed - nói.