Hết thời chi nhỏ giọt
Công việc nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và phát triển kết quả trong phòng thí nghiệm đang được xem là nơi ngốn số tiền cực lớn của các hãng công nghệ khổng lồ.
Theo thống kê năm 2014, Intel là hãng công nghệ đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) với 11,54 tỷ USD - chiếm 22,4% số doanh thu. Đứng thứ hai là Microsoft với 10,41 tỷ USD - chiếm 12% số doanh thu, Google với 9,8 tỷ USD - chiếm 14,9% số doanh thu. Các hãng công nghệ khác như Apple và Facebook có mức đầu tư thấp hơn với số tiền lần lượt là 6 tỷ USD và 2,67 tỷ USD.
Thời gian trước, Apple và Facebook đầu tư R&D thấp hơn nhiều so với hãng công nghệ khác nhưng lợi nhuận và doanh số vẫn tăng trưởng cao. Điều đó không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo các chuyên gia phân tích, Apple đầu tư ít vào R&D nhưng vẫn giữ được giá bán sản phẩm cao nên đem lại lợn nhuận lớn; nhưng sự cạnh tranh của các đối thủ chắc chắn sẽ khiến hãng này phải chi nhiều hơn cho nghiên cứu.
“Có thể nói rằng các công ty chi tiêu nhiều tiền hơn cho R&D trong chế tạo sản phẩm có thể tạo ra thách thức đối với Apple trong vài năm tới” - nhà phân tích thị trường tài chính Matt Krantz nói.
Nhóm Thúc đẩy nghiên cứu của Microsoft thảo luận về việc đánh giá công nghệ trong phòng thí nghiệm của mình. Ảnh: Microsoft.com
Trong năm tài chính 2015, Apple đã tăng mức chi cho R&D lên 8,1 tỷ USD - chiếm 3,5% số doanh thu, trong khi Facebook tăng mạnh hơn với số tiền 2,6 tỷ USD cho R&D - chiếm 21% số doanh thu. Bản thân Apple cũng nhận thấy không thể chỉ phụ thuộc vào các nhà cung cấp thành phần cho sản phẩm của mình nên trong năm tài chính 2015 đã tăng chi cho R&D với số tiền gần gấp đôi mức 4,5 tỷ USD của năm tài chính 2013. Thậm chí, đối diện với tình trạng sụt giảm doanh số bán iPhone, trong năm 2016 Apple còn dự định chi cho R&D tới 10 tỷ USD.
Ngoài chuyện tăng tiền cho nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, việc quản lý số kinh phí này để có hiệu suất R&D tốt nhất cũng như kết nối R&D với khâu tiếp thị sản phẩm cũng là những yếu tố quyết định doanh thu của các hãng công nghệ.
“Chi tiêu cho R&D sẽ không là gì nếu các kết quả chẳng bao giờ rời ra khỏi phòng thí nghiệm. Các sản phẩm của Apple đang được tiếp thị theo cách thông minh và hiệu quả nhất mà chúng tôi từng biết đến. Đó là một nửa tạo nên hiệu suất tốt nhất cho chi tiêu R&D của Apple” - GS Tim Swift - Đại học St. Joseph, Mỹ - nói.
Chiến lược phá vỡ bức tường của Microsoft
Không chịu lép vế trước cuộc cạnh tranh với các đối thủ như Google và Facebook, Microsoft gần đây đã tiến hành cải tổ đội ngũ thí nghiệm, nghiên cứu. Để phá vỡ bức tường ngăn cách giữa nhóm nghiên cứu và các bộ phận khác của công ty, trong tháng 9/2014, hãng đã bố trí khoảng một nửa nhân viên gồm hơn 1.000 người nghiên cứu vào một nhóm mới có tên là Msr Next.
Nhóm này tập trung vào các dự án có ảnh hưởng lớn hơn tới công ty thay vì chú trọng nghiên cứu thuần túy như trước. Một nửa số nhân viên khác của bộ phận nghiên cứu Microsoft Research sẽ tìm cách phát hiện ra những cách thức quan trọng để đóng góp cho sản phẩm của công ty.
Chiến lược cải tổ này của Microsoft nhằm có được đội ngũ nghiên cứu xác định nhanh chóng công nghệ nào tiềm năng nhất, ăn khách nhất trước các đối thủ cạnh tranh. Kết quả là ngay lập tức, sản phẩm Skype của hãng đã được hưởng lợi từ sự phát triển chức năng dịch thuật ngôn ngữ. Các dịch vụ khác cũng được hưởng lợi nhờ sự phát triển này như các công cụ sản xuất đám mây trong Office hay thiết bị đội đầu HoloLens. Chính sự thay đổi nghiên cứu của Microsoft có thể mở ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với Google và Facebook trong lĩnh vực kỹ thuật số.
“Microsoft đã hoàn toàn hình thành một bộ phận chuyên nghiên cứu trong công ty và tạo ra sự đóng góp đối với những bộ phận còn lại của công ty” - Ahmad Abdulkader - kỹ sư ứng dụng máy móc tự học của Facebook - đánh giá.
Facebook cũng đang theo đuổi phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ hội thoại có tên gọi là M. Đây cũng là sản phẩm được khai sinh từ bộ phận nghiên cứu vào năm 2014. Để đưa sản phẩm này tới công chúng, Alex Lebrun - người đứng đầu dự án Facebook M - hằng tuần đều gặp các nhà nghiên cứu AI hàng đầu của công ty để xem xét những đánh giá phát triển của M trong phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, Google không thiết lập phòng thí nghiệm theo kiểu truyền thống là một bộ phận hay có một trụ sở riêng biệt. Hãng công nghệ này có một đội nghiên cứu cốt lõi dành phần lớn thời gian di chuyển vào các kế hoạch mở, tới văn phòng mới lạ của các đơn vị sản phẩm thuộc Google và tiến hành nghiên cứu cơ bản phần lớn ngay tại đó. Vì thế, các nhà nghiên cứu của Google làm việc chặt chẽ với các nhóm sản phẩm và gần như tất cả mọi thứ họ nghiên cứu đều được nhìn thấy ở các bộ phận còn lại của công ty.
“Chúng tôi không có một đội nghiên cứu riêng thực sự để nghiên cứu mà không cần xem xét tới bất kỳ những gì có ích cho sản phẩm. Chúng tôi có sự kết nối xuyên thấu giữa nghiên cứu và sản phẩm” - Jeff Dean, một thành viên cao cấp của Google - cho biết.