Cao Quốc Bảo và Bùi Xuân Phong, học sinh lớp 9 Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (Biên Hòa) đã vận dụng kiến thức học được trên ghế nhà trường để chế tạo ra robot quét rác thông minh điều khiển từ xa.
Qua quá trình tìm hiểu, Bảo và Phong nhận thấy, hiện nay trên Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều các nguyên mẫu xe, robot hốt rác bằng tay hoặc bằng điều khiển từ xa. Tuy nhiên, các robot này vẫn còn tồn tại khá nhiều nhược điểm như bộ máy cồng kềnh, gom được ít rác, dễ rơi vãi, dễ bị hỏng sau một thời gian hoạt động…
Do đó, Bảo và Phong đã tìm cách cải tiến các phương pháp thực hiện để chế tạo được robot gom rác có thể khắc phục được các nhược điểm trên. Đồng thời hoạt động tốt trên môi trường thực tế, gom được nhiều rác và không để rơi vãi ra ngoài.
Em Cao Quốc Bảo bên robot quét rác. Ảnh: Thanh Minh.
Sau khi cân nhắc các phương án thiết kế máy cho hoạt động phù hợp với môi trường thực tế, hai em chọn cơ cấu chổi xoay và băng chuyền tải rác. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như thiết kế đơn giản, có thể gom được nhiều loại rác khác nhau, các lá của chổi rẻ tiền vì có thể sử dụng được các chổi quét bằng thông thường, tiết kiệm nhiên liệu vì chổi quét liên kết với cả bánh xe và động cơ xe.
Mặc dù chưa được tiếp cận với kỹ thuật thiết kế 3D, song nhờ học hỏi trên mạng cùng sự hướng dẫn của các anh chị học khối kỹ thuật, Bảo và Phong đã tự học thiết kế máy với phần mềm SolidWorks để phác thảo tất cả các chi tiết và cơ cấu hoạt động robot.
Để cung cấp nguồn điện cho động cơ hoạt động, nhóm đã quyết định chọn pin Li-po. Nguyên nhân do nó nhỏ gọn, có thể đem đi mọi nơi, dễ sử dụng, dễ thay thế, có thể sạc lại bằng điện.
Robot quét rác thông minh do Bảo và Phong chế tạo. Ảnh: Thanh Minh.
Mẫu robot mà Bảo và Phong chế tạo có hình thức giống như một băng chuyền có thể gom rác tự động. Nó hoạt động theo cơ chế robot di chuyển đến khu vực có rác ở 2 bánh xe trước được gắn 2 chổi có nhiệm vụ thu gom và đưa rác lên băng chuyền, băng chuyền sẽ tải rác về hộp chứa.
Sau khi hộp chứa đầy rác, người điều khiển máy sẽ di chuyển robot quay về điểm xác định trước để đổ rác và tiếp tục thu gom cho đến khi hoàn tất công việc.
Robot quét rác thông minh sử dụng trên thực tế cho hiệu quả tốt và nhận được phản hồi tích cực. Vì vậy, thời gian tới, mô hình này sẽ được ứng dụng trong thực tế.
Theo thông tin từ sở KH&CN Đồng Nai, sáng chế này của Bảo và Phong đã đạt Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Học sinh trung học cấp tỉnh năm 2016.