Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, khoảng thời gian 1 năm là rất lớn để người ta có thể kỳ vọng vào những thành tựu đột biến.

Chúng ta sẽ cùng trang tin The Next Web liệt kê những xu hướng công nghệ hứa hẹn sẽ có những diễn biến mới thú vị trong năm 2017.

1. Giao hàng bằng máy bay không người lái

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock.

Nếu để nói về một câu chuyện thành công đột biến của năm 2016, đó chính là máy bay không người lái (drone). Sau khi chỉ bán được 700.000 drone trong năm 2015, năm 2016, ước tính số drone bán ra là 2,5 triệu chiếc và giới chuyên gia ước tính tới năm 2020 sẽ có hơn 7 triệu drone bán ra.

Năm 2016, Google, Amazon và UPS đều đã thử nghiệm giao hàng bằng drone. Tuy nhiên công nghệ này vẫn chưa thực sự phổ biến.

Các hãng công nghệ đều đã có những kế hoạch thử nghiệm lớn hơn với việc giao hàng bằng drone trong năm 2017 và hứa hẹn sẽ có những đột phá nếu họ giải quyết được các rắc rối liên quan tới chuyện vướng cây cối.

2. Các phương tiện vận tải tự động cấp độ 3

Ảnh: Matt Hussey
Ảnh: Matt Hussey.

Sau rất nhiều dấu ấn thú vị đã đạt được với các loại xe tự hành trong năm 2016, người ta chờ đợi ở năm 2017 loại phương tiện này sẽ còn có nhiều đột phá hứa hẹn hơn.

Việc quan sát chiếc xe hơi tự hành của hãng Tesla thả một người xuống tại nơi làm việc, sau đó tự nó chạy vào bãi đỗ xe đã rất tuyệt vời, nhưng đây vẫn chỉ là công nghệ tự động hóa cấp độ 2.

Theo Hiệp hội kỹ sư tự động hóa (SAE), tự động hóa cấp 2 đạt được khi hệ thống tự động hóa có thể giải quyết hầu hết các thao tác lái xe như bẻ lái, phanh, tăng tốc… dù vậy vẫn cần phải có tài xế người thật sẵn sàng để hỗ trợ khi cần.

Năm 2017 hứa hẹn đưa trình độ công nghệ tự động hóa của các phương tiện tự hành lên cấp độ 3. Ở cấp độ này, cũng theo SAE, xe hơi có khả năng hoàn toàn lái tự động trong hầu hết các trường hợp. Sự trợ giúp của con người có thể cần trong trường hợp xử lý ở môi trường lạ hoặc điều kiện thời tiết xấu.

Cấp độ tự động thứ 4 sẽ là khi chiếc xe hơi tự hành biến con người thành hàng hóa. Ngoài việc nhập điểm đến hoặc lên kế hoạch lộ trình, sự can thiệp của con người thực sự không cần thiết nữa.

3. Công nghệ OLED dần phổ biến

Ảnh: Next web.

Các dòng sản phẩm cao cấp của Huawei, Xaomi, Samsung, Google và Blackberry cũng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ hiển thị cao cấp OLED. Với Apple, có thể công nghệ OLED sẽ được ứng dụng với dòng sản phẩm iPhone 8.

Không chỉ với điện thoại thông minh, các sản phẩm laptop, máy tính để bàn và TV cũng đều đang bước vào thời của công nghệ OLED. Mặc dù giá thành các sản phẩm ứng dụng công nghệ này vẫn còn rất đắt với hầu hết chúng ta, tuy nhiên mức giá đó sẽ giảm khi công nghệ này được cải tiến.

Năm 2017 sẽ là năm chứng kiến thêm nhiều dòng sản phẩm điện thoại thông minh và laptop ứng dụng công nghệ hiển thị OLED. Tuy nhiên với TV và màn hình máy tính, việc ứng dụng công nghệ này có lẽ phải chờ tới năm 2018.

4. Trợ lý ảo hoàn hảo

Ảnh: Next web
Ảnh: Next web.

Cuộc đua tạo ra các ứng dụng trợ lý ảo hoàn hảo đang tăng nhiệt. Trong giai đoạn khởi đầu Google, Amazon, Apple và Microsoft cùng một số hãng công nghệ khác đã tạo ra các trợ lý thông minh theo những cách thức độc lập với nhau.

Cách tiếp cận khép kín này giúp cho các trợ lý ảo hoạt động đúng như ý định của nhà phát triển, tuy nhiên lại hạn chế việc nâng cấp cho ứng dụng đó.

Tuy nhiên năm 2016 đã khiến chúng ta có những cảm nhận đầu tiên về xu hướng phát triển các trợ lý ảo thông minh trong tương lai. Các hãng công nghệ đã cởi mở hơn trong việc sẵn sàng tạo cơ hội tiếp cận, cải thiện, nâng cấp sản phẩm của họ với các nhà lập trình quan tâm tới việc này.

Ngay cả Apple, hãng công nghệ nổi tiếng trong việc giữ rất kín những tài sản trí tuệ của họ, cũng đã quyết định "mở cửa" ứng dụng Siri của họ cho các nhà lập trình. Sau đó các lập trình viên đã giúp Apple nâng cấp Siri lên cấp độ hoàn thiện hơn trong năm nay, nhiều hơn những gì Apple đã làm được trong giai đoạn trước đó của Siri.

Năm 2017 hứa hẹn sẽ tạo ra thậm chí nhiều đổi mới công nghệ hơn nữa và có thể còn có thêm nhiều cởi mở khác nữa trong lĩnh vực này với các nhà phát triển ứng dụng.

5. Khởi đầu cho sự chấm dứt bệnh tật

Ảnh: Next Web
Ảnh: Next Web.

Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, từng tuyên bố cam kết nổi tiếng dành hầu hết khối tài sản khổng lồ vào các chương trình nhân đạo. Năm 2016, Mark đã thực hiện cam kết này với việc dành 3 tỉ USD để loại bỏ bệnh tật trong 100 năm tới.

Số tiền này sẽ đổ vào Sáng kiến ChanZuckerberg trong chương trình hợp tác với Đại học California San Francisco và Đại học California Berkeley để tìm kiếm những phương thức mới, tân tiến nhằm loại bỏ bệnh tật và tiếp tục mở rộng các dự án nghiên cứu khác.

Tập đoàn IBM và Google cũng đã đổ hàng triệu USD vào các chương trình nghiên cứu sử dụng các báo cáo y khoa và hồ sơ bệnh án để phân tích dữ liệu và sơ đồ hóa các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Sử dụng các siêu máy tính như Watson và DeepMind, các tập đoàn công nghệ hy vọng có thể cung cấp cho các bác sĩ chuyên khoa ung thư những kế hoạch điều trị được chi tiết hóa cao độ chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, thông qua các phân tích nhanh về những chẩn đoán và điều trị trong quá khứ của người bệnh.

IBM và Google không phải là hai tập đoàn duy nhất sử dụng thuật toán machine learning và trí tuệ nhân tạo để giải quyết bệnh tật.

Năm 2017 là năm hứa hẹn sẽ đem lại hy vọng mới trong cách điều trị và cuối cùng là loại bỏ được bệnh tật. Các robot sẽ nắm vai trò dẫn dắt trong quá trình này.