Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng ôtô điện chưa “có cửa” để chiếm ưu thế tại Việt Nam ở tương lai gần, một hãng taxi bắt đầu thay thế xe chạy xăng bằng ôtô điện từ tháng 7 năm nay trong dự án chạy taxi bằng ôtô điện lớn nhất thế giới - theo hãng này.
Ôtô điện vốn là xu hướng đang lên, bỗng bùng thành cơn sốt toàn cầu khi hãng Tesla ra mắt xe Model 3. Là một nước đang xây dựng công nghiệp ôtô và chịu ảnh hưởng khá nặng nề của ô nhiễm, liệu Việt Nam có bắt nhịp, đón đầu xu hướng phát triển dòng xe của tương lai nay?
Khó cả hạ tầng và công nghệ
Còn ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp - cho rằng, ở góc độ nhà sản xuất cần xem xét nhiều khía cạnh: Chất lượng, giá thành và ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều loại ôtô điện chất lượng thấp đang được sử dụng ở Việt Nam thậm chí còn hại môi trường hơn cả việc thải khí của xe chạy xăng, bởi chỉ hơn một năm đã thải bỏ ắcquy - thứ rác độc không phân hủy. Còn nếu đảm bảo được vấn đề môi trường với công nghệ pin có lượng chì nhỏ, độ bền lớn thì giá thành của xe lại rất cao.
“Các nhà sản xuất ôtô đều rất đau đầu với bài toán môi trường và giá thành. Vì thế mà ngay cả ở các nước tiên tiến, ôtô điện vẫn chưa trở thành đại trà” - ông Tuấn nói. Doanh nhân này cũng nhấn mạnh việc chưa có hệ thống trạm sạc điện đồng bộ là yếu tố quan trọng cản trở việc phổ biến ôtô điện ở Việt Nam trong tương lai gần, còn các vấn đề kỹ thuật khác như chuyển dây chuyền sản xuất từ động cơ xăng sang điện hay thay đổi thiết kế phần thân xe đều không khó.
Sự đón nhận của người tiêu dùng cũng là lo ngại của các chuyên gia trong việc phát triển ôtô điện ở Việt Nam. Ông Hồ Mạnh Tuấn cho rằng, ôtô điện hiện chưa chạy được xa, hạ tầng nạp điện lại chưa có, việc bảo dưỡng, thay thế phụ tùng cũng chưa thuận tiện nên người tiêu dùng sẽ không thích. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, với người Việt Nam, ôtô được xem là tài sản hơn là phương tiện đi lại. Người ta có xu hướng chọn mua xe “an toàn” về mặt giá trị tài sản mà xe điện lại chưa trở thành trào lưu.
Còn kỹ sư Lê Văn Tạch - người từng nổi tiếng vì công khai các lỗi của xe Toyota khi còn làm việc cho hãng này - cho rằng nhu cầu ôtô điện ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cao nếu giải quyết được hai hạn chế là thời gian sạc pin lâu và chưa có trạm sạc. “Xét điều kiện thực tế ở Việt Nam, tôi cho rằng chưa thể giải quyết hai vấn đề này trong thời gian ngắn” - ông Tạch nhận định.
Nhiều xe điện ở Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại 10 địa phương có nhiều ôtô điện, số xe đang lưu hành lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó riêng Cửa Lò (Nghệ An) có gần 500 xe, Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 430 xe. Thế nhưng, theo Cục Đăng kiểm, hiện mới có 203 xe có chứng nhận đăng kiểm.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho rằng, người dân đang hiểu sai về ôtô điện. Ôtô điện đúng nghĩa là ôtô chỉ sử dụng động cơ điện (như Nissan Leaf) hoặc cả động cơ điện và động cơ xăng/diesel (như Toyota Prius), có kết cấu, tính năng, hệ số an toàn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô thông thường. Còn xe điện chở người ở sân golf, khu du lịch... chỉ là “xe điện 4 bánh chở người”, tốc độ thấp, không đáp ứng được yêu cầu an toàn kỹ thuật đối với ôtô nên không được phép tham gia giao thông như ôtô.
Gần đây, trên Internet xuất hiện hàng loạt tin rao bán loại ôtô điện kiểu dáng hiện đại nhưng kích thước nhỏ, giá chỉ vài chục triệu đồng khiến rất nhiều người hào hứng. Một số xe đã về Việt Nam nhưng không đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định, loại xe này không được đăng kiểm và nếu lưu hành sẽ bị xử phạt.
Hiện tại, việc nhập khẩu ôtô điện làm taxi không thuộc diện được miễn, giảm phí và lệ phí khác, vẫn phải nộp phí trước bạ khi đăng ký và gắn biển số.
Việt Nam đi đầu khu vực về taxi điện
Ngày 8/4, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, hãng xe Renault S.A.A và Tập đoàn Mai Linh đã ký thỏa thuận mua bán 100 ôtô điện Renault ZOE và Fluence Z.E đầu tin.
“Việt Nam là nước đi đầu Đông Nam Á trong việc sử dụng ôtô điện chạy taxi thay cho ôtô chạy xăng. Dự kiến việc thay thế này sẽ bắt đầu từ tháng 7 tới ở Hà Nội” - ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh nói và cho biết, với 10.000-20.000 ôtô điện mà tập đoàn sẽ nhập vòng 5 năm tới để thay thế cho 14.000 đầu xe xăng hiện tại, bắt đầu từ Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, đây là dự án chạy taxi bằng ôtô điện lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo ông Huy, giá cước taxi điện sẽ rẻ hơn xe chạy xăng ít nhất 10% do tiết kiệm được đáng kể về chi phí: Tiền bảo dưỡng định kỳ giảm khoảng 70%, tiền nhiên liệu và phí sửa chữa đều giảm 60-70%. Mức giá 29.000USD cho mỗi chiếc xe điện Renault cũng được cho là không đắt.
Về vấn đề xây dựng hạ tầng sạc điện, Chủ tịch Mai Linh tiết lộ, vào tháng 6 tới ông sẽ cùng với đại diện các bộ, sở, ban, ngành liên quan đến vấn đề chính sách sang Paris tham quan mô hình trạm sạc có khả năng phục vụ 200-300 xe liên tục ở thành phố này, sau đó lên kế hoạch áp dụng ở Việt Nam. Loại xe Fluence Z.E mà tập đoàn nhập có thể chạy 250-300km mỗi lần nạp điện. Ông Huy cho biết không loại trừ khả năng mua Tesla Model 3 bởi ở góc độ nhà kinh doanh, “xe nào tốt, giá rẻ là nhập”.
Còn với những người quan tâm đến môi trường, việc thay taxi xăng bằng xe điện là một cánh cửa mở ra viễn cảnh biến Hà Nội thành một thành phố không còn xe ô nhiễm môi trường, bắt đầu từ taxi đến xe buýt, xe tải, xe chở bêtông, xe chở rác... như ông Huy hình dung.