Cũng như con người, cây trồng là đối tượng tàn phá của các loài vi khuẩn gây hại.

Khi ấy, kháng sinh thường được sử dụng để chống lại những vi khuẩn này. Tuy nhiên, một số thành phần có trong chất béo chiết xuất từ ấu trùng ruồi lại tỏ ra là phương án thay thế hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường.

Thuốc kháng sinh trừ sâu không chỉ đắt đỏ mà việc sử dụng chúng trong môi trường còn dẫn đến sự phát triển của những loại vi khuẩn nhờn thuốc.

Dựa trên một số nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học tại Viện Vật lý & Công nghệ Moscow (MIPT), Liên bang Nga, đã tìm đến ấu trùng ruồi lính đen (black soldỉe fly) – vốn rất giàu protein, chất béo, và có sẵn với số lượng lớn, thường được nuôi trên quy mô thương mại để làm thức ăn cho gia súc và nuôi trồng thủy sản.

.

Ấu trùng ruồi lính đen được nuôi trên quy mô thương mại ở nhiều nơi để làm thức ăn thủy sản và gia súc. Ảnh:ShaunRomero/C.C. 4.0.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu từ việc thu hoạch chất béo từ ấu trùng, bằng cách nén chặt chúng dưới áp lực. Một dung môi hữu cơ làm từ nước, methanol và axit clohydric được sử dụng để chiết xuất các axit béo chính trong chất béo.

Kết quả thu được là một hợp chất mang tên AWME (chiết xuất bao gồm methanol và nước axit hóa) có tính năng kháng khuẩn mạnh mẽ – nhà nghiên cứu chính của dự án, TS. Elena Marusich cho biết. “Chúng tôi thấy nó còn hiệu quả hơn cả thuốc kháng sinh, và hoàn toàn có thể được sử dụng thay thế để chống vi khuẩn gây bệnh trong nông nghiệp,” bà nói.

.

TS.Elena Marusich và một nghiên cứu sinh tiến sỹ đang phân tích mẫu. Ảnh:Natalia Arefieva/MIPT.

Cụ thể là đĩa thí nghiệm Petri đã cho thấy: AWME đạt hiệu quả rất tốt trong việc tiêu diệt 5 dòng vi khuẩn gây bệnh phổ biến đối với cây trồng. Thêm nữa, chiết xuất này hoàn toàn có thể được giữ lạnh trong một khoảng thời gian dài mà không làm mất thuộc tính chống vi khuẩn.

Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Microorganisms.