Nguồn điện duy nhất vừa dồi dào, vừa sạch
Tờ Economist nhận xét “công nghệ không phát thải khí CO2 đáng đồng tiền bát gạo nhất” chính là năng lượng hạt nhân. Bà Christine Todd Whitman - cựu Thống đốc bang New Jersey (Mỹ), hiện là Giám đốc Nhóm chiến lược Whitman chuyên tìm giải pháp cho các thử thách môi trường - đánh giá việc đóng cửa các nhà máy ĐHN tại Mỹ là “thiển cận” trên Washington Post.
Theo bà, điều đó khiến các mục tiêu chương trình năng lượng sạch của Mỹ khó mà thực hiện được. ĐHN đang chiếm 60% các nguồn năng lượng không gây phát thải CO2. Bất cứ chương trình giảm phát thải CO2 bền vững và khả thi nào cũng cần đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất ĐHN đang có, tăng cường tính an toàn trong việc điều hành các cơ sở hạt nhân và khuyến khích xây dựng những lò phản ứng thế hệ mới.
“Năng lượng tái tạo có thể có vai trò quan trọng trong chính sách giảm phát thải CO2, nhưng điện chỉ có thể được sản xuất khi có gió hoặc nắng. Giả sử năng lượng tái tạo có thể thay thế sản lượng mà năng lượng hạt nhân tạo ra thì quá trình này cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian, nguồn lực, đất đai” - bà Whitman nói và nhận định: “Năng lượng hạt nhân là nguồn cung cấp điện duy nhất vừa có khả năng cung cấp điện với số lượng lớn, vừa không gây phát thải CO2”.
Giàu năng lượng mặt trời vẫn chọn điện hạt nhân Hơn 20 quốc gia đang lên kế hoạch sử dụng năng lượng hạt nhân và hơn 20 nước khác đang cân nhắc sử dụng năng lượng này. Tại diễn đàn năng lượng hạt nhân mới đây tại Moscow (Nga), Tập đoàn năng lượng Rosatom cho biết đã ký được nhiều hợp đồng và biên bản ghi nhớ về xây dựng nhà máy ĐHN tại một số nước châu Phi như Kenya, Zimbawe…, cung cấp công nghệ ĐHN cho một số quốc gia với giá trị lên tới 10 tỷ USD.
Tại châu Phi, các doanh nghiệp đang phải thiếu điện trung bình 56 ngày/năm, tổn thất khoảng 6% số doanh thu. Giá điện bình quân ở các nước châu Phi cận Sahara là 0,13USD/kWh - gấp 3 lần một số quốc gia đang phát triển.
Dù rất dồi dào ánh sáng mặt trời, nhiều nước châu Phi vẫn chọn ĐHN bởi muốn tìm một nguồn năng lượng dài hạn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo chiến lược dài hơi. Châu Phi cần nguồn năng lượng sạch, đáp ứng đủ nhu cầu khi dân số tăng. Các nhà chính sách cho rằng không thể lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ ánh nắng bởi theo tính toán, giá thành của mỗi kWh điện gió hoặc điện mặt trời cao hơn điện hạt nhân và thủy điện.
“Điện gió và điện mặt trời đắt hơn bởi 3 yếu tố: Các nhà máy có chi phí xây dựng khá tốn kém, nhưng chỉ có thể hoạt động hết công suất vào những giờ nhất định (chẳng hạn một nhà máy năng lượng mặt trời tại Mỹ chỉ đạt 15% công suất tối đa), công suất thay đổi theo năm, tháng, ngày và thậm chí là giờ, làm hạn chế khả năng giảm phát thải CO2.
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều quốc gia châu Phi lựa chọn điện hạt nhân là bởi khu vực này có chứa nhiều mỏ nhiên liệu (uranium) dùng cho các lò phản ứng. Trong 10 nước sở hữu nguồn uranium lớn nhất thế giới, có 3 quốc gia khu vực cận Sahara.