Trí thông minh nhân tạo (AI) hiện đang được sử dụng để phát hiện các bệnh về mắt, chẩn đoán y tế và phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư thực quản. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cho rằng AI có thể chẩn đoán cả các chứng sa sút trí tuệ chỉ từ một lần quét não.
Sa sút trí tuệ (dementia) là thuật ngữ chung để chỉ những chứng mất trí nhớ và nhận thức do những thay đổi trong não gây ra. Phổ biến nhất là Alzheimer, một loại rối loạn không thể phục hồi, trong đó các tế bào thần kinh mất giao tiếp với nhau, gây mất trí nhớ và nặng hơn là mất khả năng vận động. Nhưng cũng có những loại sa sút trí tuệ khác, bao gồm sa sút trí tuệ mạch máu, xảy ra khi không có đủ lưu lượng máu cung cấp oxy cho não; và sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, do mất các tế bào ở các vùng phía trước và hai bên của não - các chứng này đều tác động đáng kể đến tính cách, hành vi và khả năng sinh hoạt của con người.
Nhóm nghiên cứu công cụ AI chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ đang chuẩn bị đưa vào thử nghiệm, cho biết họ hy vọng sẽ giúp chẩn đoán sớm để có thể điều trị sớm và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân, hoặc cho thấy rõ tình trạng bệnh và tiên lượng chính xác hơn.
“Những căn bệnh sa sút trí tuệ thực sự tàn phá con người. Vì vậy, khi tôi nói với bệnh nhân họ mắc bệnh, tôi muốn tự tin hơn về kết quả chẩn đoán, cung cấp cho họ thêm thông tin về khả năng tiến triển của bệnh để giúp họ lập kế hoạch cho cuộc sống của mình," TS Timothy Rittman, nhà tư vấn thần kinh tại Đại học Cambridge, người dẫn đầu nghiên cứu mới, nói.
Dự kiến trong năm đầu, hệ thống AI sẽ được thử nghiệm trong môi trường lâm sàng trên khoảng 500 bệnh nhân tại bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge và các phòng khám sa sút trí tuệ khác trên cả nước Anh.
“Nếu chúng ta can thiệp sớm, có thể áp dụng sớm các phương pháp điều trị và làm chậm sự tiến triển của bệnh, tránh được nhiều thiệt hại sức khỏe,” GS Zoe Kourtzi, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge và thành viên của Viện Alan Turing, cơ sở nghiên cứu trung tâm của Anh về AI và khoa học dữ liệu, cho biết. "Nếu điều trị sớm, có khả năng các triệu chứng của bệnh xảy ra muộn hơn nhiều hoặc có thể không bao giờ xảy ra."
Kourtzi cũng đang dẫn đầu một dự án nghiên cứu do tổ chức thiện nguyện này tài trợ, sử dụng dữ liệu từ các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe (chẳng hạn như đồng hồ thông minh) để dự đoán các bệnh như Alzheimer sớm hơn 15-20 năm so với các chẩn đoán hiện tại.
“Để chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ, các bác sĩ cần dựa vào việc giải thích các hình ảnh quét não và kiểm tra nhận thức, các quy trình này khá mất thời gian. Các mô hình học máy như của GS Kourtzi phát triển có thể giúp các bác sĩ diễn giải các bản quét một cách chính xác hơn, dẫn đến chẩn đoán chính xác hơn cho bệnh nhân," TS Laura Phipps tại Alzheimer’s Research UK, nói.
Tuy nhiên, GS Tara Spiers-Jones, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học não bộ Khám phá tại Đại học Edinburgh, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn quá sớm. “Tìm cách chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ từ rất sớm trong tiến trình bệnh là một mục tiêu quan trọng trong nghiên cứu và điều trị, nhưng có vẻ như phương pháp này vẫn còn ở giai đoạn khá sớm," Spiers-Jones nói.
Giáo sư Clive Ballard, chuyên gia về chứng sa sút trí tuệ tại Đại học Exeter, đồng ý. “AI đã được chứng minh có khả năng cải thiện tiềm năng chẩn đoán của kết quả quét não, nhưng giữa các cá nhân khác nhau có sự khác biệt rất lớn, do đó không có một kiểu quét, một dấu ấn sinh học hoặc một xét nghiệm đơn lẻ nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người," Ballard lưu ý.
“Cách tiếp cận này chắc chắn là một hướng đi tích cực sẽ dẫn đến những cải tiến trong chẩn đoán, nhưng chúng ta cần phải thực sự cẩn trọng để không tạo ra những kỳ vọng sai lầm."