Động thái này là một phần trong kế hoạch của Apple nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, đến thăm dây chuyền sản xuất
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, đến thăm dây chuyền sản xuất tai nghe không dây AirPods tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: Luxshare

Từ vài năm trở lại đây, Apple đã bắt đầu lắp ráp một số thiết bị của mình tại Ấn Độ và Việt Nam - một động thái nhằm cắt giảm dần dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo các nhà phân tích của hãng dịch vụ tài chính JP Morgan, Apple dự định sẽ đưa hai quốc gia trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu của Tập đoàn.

Cụ thể, trong một báo cáo mới, JP Morgan cho biết Apple sẽ chuyển 5% sản lượng iPhone 14 toàn cầu sang Ấn Độ vào cuối năm 2022, và sẽ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất tại quốc gia này để hướng đến sản xuất 25% số iPhone trên toàn cầu vào năm 2025.

“Cũng vào năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods”, trang Techcrunch trích dẫn báo cáo.

Những thông tin trong báo cáo cũng tương đồng với các chi tiết trong một bài báo được Nikkei Asia đăng tải vào tháng trước, theo đó Apple đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và MacBook lần đầu tiên tại Việt Nam, trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các nhà cung ứng của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam - hiện tại Trung Quốc là quốc gia duy nhất sản xuất chính thức sản phẩm này.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Nước ta sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho tập đoàn Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods. Song theo các chuyên gia trong ngành, quá trình gia công Apple Watch thậm chí còn tinh vi hơn. Để lắp được nhiều linh kiện vào một chiếc vỏ nhỏ như vậy đòi hỏi nhân công phải có trình độ tay nghề cao. “Việc sản xuất thành công thiết bị này sẽ là một cột mốc quan trọng với Việt Nam khi quốc gia này đang nỗ lực cải thiện hơn nữa trình độ sản xuất công nghệ của mình”, tờ Nikkei Asia nhận định.

Bên cạnh đó, Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung ứng để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho loa thông minh HomePod của mình tại Việt Nam.

Đối với MacBook, hai nguồn tin của tờ báo tiết lộ Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ dịch chuyển sản xuất hàng loạt sang Việt Nam diễn ra chậm chạp, một phần do đại dịch gây ra những gián đoạn, mặt khác việc sản xuất máy tính xách tay đòi hỏi một chuỗi cung ứng lớn. Chuỗi cung ứng như vậy hiện tập trung ở Trung Quốc với mức giá vô cùng cạnh tranh.

"Ngoại trừ iPhone, hiện tại Apple đang có những dự định lớn ở Việt Nam, bao gồm sản xuất AirPods, Apple Watch, HomePod v.v.", một trong những nguồn tin cho biết. "Các linh kiện của MacBook đã được mô-đun hóa nhiều hơn so với trước đây, điều này giúp quá trình sản xuất máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Song làm thế nào để đạt được giá thành hợp lý thì lại là một câu chuyện khác".

Apple bắt đầu tiến vào Việt Nam vào năm 2020, khi Tập đoàn quyết định sản xuất hàng loạt AirPods tại nước ta. AirPods là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple được gia công bên ngoài Trung Quốc sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái này báo hiệu sự chuyển dịch của Apple, bởi trong nhiều thập kỷ, tập đoàn đã phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.

Theo phân tích của Nikkei Asia, số lượng nhà cung ứng của Apple đặt nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 14 lên 22. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

“Kể từ sau căng thẳng thương mại và dịch bệnh COVID-19, vị thế 'công xưởng thế giới' của Trung Quốc đang bị lung lay”, Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research, chia sẻ. "Điều này khiến Việt Nam, quốc gia gần với Trung Quốc, trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử, nhất là khi quốc gia này đang dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng của riêng mình."

Nguồn: