Tại hội thảo Hội thảo Banking Vietnam 2016, diễn ra sáng 19/5 tại Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng các ngân hàng Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư cho công nghệ để có thể tăng lợi nhuận lên từ 15-17%.

Nhận xét về vấn đề đầu tư cho công nghệ của các ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thời gian qua, điều đáng mừng là các ngân hàng thương mại đã có những bước tiến lớn đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là đối với các kỹ năng về công nghệ và về ngoại ngữ. Tuy nhiên, ông Hòe chỉ ra rằng trong vấn đề đầu tư cho công nghệ, các ngân hàng còn gặp những thách thức lớn.

Nguồn số liệu được tổng hợp dựa trên báo cáo của 13 NHTM và 2 trường đại học trong hệ thống ngân hàng, chưa kể dự án đầu tư FSMINS của NHNN 70 triệu USD
Nguồn số liệu được tổng hợp dựa trên báo cáo của 13 NHTM và 2 trường đại học trong hệ thống ngân hàng, chưa kể dự án đầu tư FSMINS của NHNN 70 triệu USD. Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

“Đầu tiên là chuyện vốn. Do các ngân hàng Việt Nam vốn nhỏ nên việc đầu tư cho công nghệ còn thấp dễ dấn đến việc theo nhu cầu mới dẫn đến việc lãng phí nguồn lực. Tiếp đến là việc đầu tư và phát triển nhiều nhưng doanh thu từ hoạt động dịch vụ không tương xứng, không đủ để bù đắp cho những chi phí đã đầu tư. Hiện nay Việt Nam có 70% dân số vàng với 60% sử dụng điện thoại di động nhưng dịch vụ ngân hàng di động còn ở mức khá thấp” - ông Phạm Xuân Hoè nói.

“Thách thức thứ 3 là chính sách quản lý chưa theo kịp sự phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử. Tiếp đến là rủi ro về IT là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn: tấn công mạng, lợi dụng sơ hở để phạm tội, bảo mật thông tin, sai sót trong tác nghiệp. Cuối cùng là nguồn nhân lực IT của các ngân hàng Việt Nam còn ít, chất lượng nguồn nhân lực nghiệp vụ nắm bắt vận hành IT chưa tốt có thể dẫn đến nhiều sai sót” - ông Hòe cho biết thêm.

Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Về giải pháp để giải quyết những thách thức trên, ông Hòe đề xuất cần hoàn thiện chiến lược về phát triển KH&CN nhất là phát triển về CNTT, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung trong Luật các Tổ chức tín dụng vốn đã không còn phù hợp, rủi ro công nghệ ra khỏi rủi ro ngân hàng, tạo thêm nhiều sản phẩm dịch vụ giao dịch với khách hàng qua Internet và Mobile banking, thay đổi cách thức truyền thông về sản phẩm bằng cách dùng thử mô hình hoặc giao diện trên hệ thống máy PC để khách hàng trải nghiệm luôn trong quá trình giao dịch.

Về phần mình, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) cho rằng hiện các ngân hàng Việt Nam đầu tư cho công nghệ còn thấp, chỉ chiếm 5% trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, Singapore mỗi năm bỏ ra 200 triệu USD để nâng cấp hệ thống và con số này lên đến 7,3 tỷ USD một năm đối với các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. “Dù chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ là khá tốn kém nhưng điều này là vô cùng cần thiết và sẽ mang lại lợi ích lớn cho các ngân hàng. Hãy thuyết phục các CEO ngân hàng đầu tư vào công nghệ, vì sẽ cầm chắc lợi nhuận ròng tăng 15-17%” - ông Cấn Văn Lực nói.

Ông Lực cũng đưa ra 8 nhân tố tác động đến hoạt động ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 và cho rằng môi trường pháp lý thay đổi theo hướng chặt hơn, thận trọng hơn. Điều này sẽ làm tăng chi phí hệ thống ngân hàng, từ đó làm giảm lợi nhuận. Ông Cấn Văn Lực cho biết, hiện ngân hàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tổ chức phi ngân hàng. Trong cuộc cạnh tranh này, các ngân hàng gặp bất lợi so với đối thủ ở sự tiện lợi, nhanh chóng nhưng lại hơn ở mức kiểm soát rủi ro. Do đó, ông Lực khuyên các ngân hàng cần phải tập trung phát huy điểm mạnh này để cạnh trang tốt hơn.

Banking Việt Nam là sự kiện công nghệ ngân hàng thường niên nhằm giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.