Thống kê trong giai đoạn 2000-2015, có ít nhất là 16 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với các máy bay quân sự bởi tác động của các hiện tượng thời tiết xấu. Vì sao biểu tượng của sự tối tân lại gặp khó khăn với mối đe dọa “xưa như Trái đất”?

Máy bay là một trong những biểu tượng của nền văn minh nhân loại. Tất cả các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tới sử dụng, vận hành phương tiện này đều đòi hỏi sự kết hợp của nhiều công nghệ, kỹ thuật đỉnh cao. Đặc biệt là với các máy bay sử dụng trong lĩnh vực quân sự, vốn yêu cầu có nhiều tính năng vượt trội. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, việc một máy bay quân sự hiện đại gặp tai nạn do các vấn đề thời tiết là rất hãn hữu, thậm trí gây ra sự nghi ngờ.

Máy bay gặp khó trước mối đe dọa “xưa như Trái đất”?


Thống kê trong giai đoạn 2000-2015, có ít nhất là 16 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với các máy bay quân sự bởi tác động của các hiện tượng thời tiết xấu. Chủng loại các máy bay này rất đa dạng, từ máy bay vận tải tới chiến đấu cơ, từ cánh bằng đến cánh quạt.

Máy bay II-76 của Iran rơi năm 2003
Máy bay II-76 của Iran rơi năm 2003

Trong đó nhiều loại hiện đại như: ngày 2/7/2002, Lockheed MC-130H của Không quân Mỹ cất cánh từ sân bay Rafael Hernadez ở Aguadilla, Puerto Rico, đã gặp tai nạn tại Caguas, cách đó chỉ hơn 100km, giết chết toàn bộ phi hành đoàn 10 người. Máy bay lúc đó đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bài bay thấp trong thời tiết xấu. Nhưng nó đã xuống quá thấp và đâm vào núi. Tai nạn này được ví như “ cá chết đuối”. Bởi vì, MC-130H là dòng máy bay được sử dụng cho các hoạt động tác chiến đặc biệt phức tạp, mới ra mắt từ năm 1991 và có giá thuộc hạng đắt nhất trong tất cả các biến thể của đại gia đình C-130. Nó được trang bị độc quyền radar AN/APQ-170 và các hệ thống điện tử tích hợp, cực mạnh trong các khả năng bắt bám địa hình, vẽ bản đồ mặt đất, phát hiện các yếu tố thời tiết bất lợi, định vị và hoạt động ban đêm.

Ngày 19/2/2003, một vận tải cơ quân sự hạng nặng Ilyushin Il-76MD của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã đâm vào một ngọn núi ở gần Shahdad trong điều kiện thời tiết xấu. Tất cả 18 thành viên tổ lái và 284 người trên máy bay đều thiệt mạng. Đây được coi là một trong những thảm họa hàng không kinh hoàng nhất trong lích sử.

Ngày 7/4/2009, một trực thăng quân sự hiện đại Bell 412EP của Không quân Philippine đã rơi trong điều kiện thời tiết xấu ở vùng rừng núi Pulag, Tinoc, Ifugao, giết chết toàn bộ 8 người có mặt.

C-300 của Morocco rơi ở Sahara
C-300 của Morocco rơi ở Sahara

Ngày 20/12/2010, một trực thăng UH-72 Lakota của Mỹ rơi tại vùng bờ biển Rio Grande, Puerto Rico, trong điều kiện thời tiết phức tạp khi đang tham gia chiến dịch Counterdrug. Toàn bộ 6 người trên máy bay thiệt mạng. Đây được ghi nhận như là tai nạn đầu tiên của loại máy bay mới được sản xuất từ năm 2006 này.

Ngày 26/7/2011, máy bay vận tải C-130 của Không quân Hoàng gia Morocco rơi tại vùng núi Sayyert trên sa mạc Sahara trong điều kiện thời tiết xấu. Tai nạn đã giết chết 80/81 người tạo thành thảm họa quân sự hàng không tồi tệ nhất của Morocco.

Năm 2012, Không quân Nga ghi nhận một tiêm kích Su-27UB rơi gần Besovets và một trực thăng tấn công “xe tăng bay” Mil Mi-35 rơi tại North Caucauss, Cộng hòa Dagestan, giết chết toàn bộ tổ bay 4 người.

Các vấn đề thời tiết tiêu cực có thể tạo ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, máy bay bị phá hủy hoàn toàn và tỉ lệ thương vong rất lớn.

Các máy bay quân sự luôn phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết
Các máy bay quân sự luôn phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết

Số liệu từ chuyên trang PlaneCrashinfo, thống kê hơn 1000 vụ tai nạn máy bay từ những năm 1950 đến nay cho thấy: các vụ liên trực tiếp hoặc gián tiếp tới yếu tố thời tiết lên tới 28 %. Riêng từ những năm 2000, con số cũng chỉ giảm xuống đôi chút so với mức trung bình là 24%. Đó là với những hàng không dân sự. Nơi các máy bay chỉ thực hiện việc cất, hạ cánh và những bài bay đơn giản, hoạt động trong môi trường ít nguy cơ. Hơn hết, các chuyến bay có thế bị hủy bất cứ lúc nào nếu các cảnh báo thời tiết bất lợi được đưa ra.

Còn với hàng không quân sự, máy bay tuy được trang bị đặc biệt nhưng phải đối mặt với các hoạt động hết sức phức tạp và nguy hiểm. Với nhiều tình huống đặc biệt như tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp, phi hành đoàn không có lựa chọn nào ngoài việc phải thực hiện nhiệm vụ ngay lập tức. Nhiều trường hợp trong các vùng đang hoặc có nguy cơ cao xảy ra các điều kiện thời tiết phức tạp.

Các số liệu cũng cho biết, hiện tượng thời tiết đặc biệt khắc nghiệt gây ra thảm họa trực tiếp tới máy bay chiếm khoảng 6%, còn lại nó sẽ như một nhân tố tạo ra áp lực và hoang mang với phi công gây ra sai sót trong điều khiển.

Thảm họa đến từ đâu?

Theo Paul Koring, một tay viết có tiếng trong mảng an ninh và các vấn đề quốc tế của tờ The Globeandmail Canada thì thời tiết xấu đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng với các máy bay nhỏ, sử dụng động cơ cánh quạt.

Một thống kê khác từ SkyBrary cho thấy rất nhiều yếu tố thời tiết gây nhiều tai nạn máy bay: các hiệu ứng liên quan đến nhiễu loạn không khí xảy ra cục bộ và rất nhanh chóng, khó dự đoán ví dụ các luồng đối lưu mạnh thường xảy ra ngoài biển, hiện tượng “Wind shear” đặc tính thay đổi vận tốc đột ngột của gió trong một khoảng không gian nhỏ. Thay đổi phương ngang khoảng 15m/s với máy bay nhỏ, 22m/s với máy bay lớn, thay đổi phương đứng 2,5m/s, được cho là ảnh hưởng nguy hiểm tới máy bay.

Sương mù cũng là một thử thách rất nguy hiểm. Một nguyên nhân rất thường gặp là: “Các điều kiện thời tiết có thể gây đóng băng như thế có thể làm ngừng động cơ máy bay và làm nó đóng băng, làm hỏng máy móc của máy bay” như chia sẻ của Edvin Aldrian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Cơ quan thời tiết Indonesia.

Mưa lớn bất ngờ hoặc mưa đá thường xảy ra trong vùng tranh chấp giữa các khối khí nóng-lạnh có thể dẫn đến hiện tượng “flameouts”, làm tắt động cơ máy bay, đặc biệt nguy hiểm khi bay thấp hoặc trong địa hình phức tạp vì phi công không đủ thời gian khởi động lại động cơ. Chưa kể là sự phá hủy thân máy bay trong trường hợp mưa đá.

Một số nguyên nhân ít gặp hơn như chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Dự báo thời tiết Fobos, ông Evgeni Tishkovets cho biết là hiện tượng "luồng khí quyển hẹp" (Jet Stream) ở độ cao 600m cho tới gần 10.000m, với tốc độ gió có thể đạt tới mức bão, hoặc sét đánh, bão cát.

Tóm lại, tuy được kết tinh từ những công nghệ tối tân, sử dụng bởi những nhân lực bậc cao được đào tạo chuyên sâu nhưng về cơ bản, máy bay vẫn là khí cụ bay, có thiết kế để tạo được lực nâng trong không khí. Vì vậy, máy bay rất nhạy cảm với các biến động thời tiết và không khí. Đặc biệt với các máy bay quân sự, có vùng hoạt động rất phức tạp, thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan bất ngờ, dẫn đến nhiều nguy cơ đặc biệt nguy hiểm cho máy bay.