Thói quen lái xe trong khu vực Đông Nam Á đang có nhiều thay đổi đáng kể cùng với sự ra đời của các phương tiện chạy bằng điện. Khi càng nhiều người tiêu dùng trở nên có ý thức về môi trường thì nhu cầu về xe điện càng tăng lên.
Báo cáo của công ty nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF) cho thấy, khoảng 54% số lượng xe ôtô bán ra thị trường thế giới sẽ thuộc về dòng xe điện vào năm 2040, cao hơn nhiều so với mức 35% được dự báo trước đây. Năm 2016, doanh số bán xe điện toàn cầu tăng gấp đôi so với năm 2015, vượt mốc 2 triệu chiếc.
Khu vực Đông Nam Á, nơi có dân số 640 triệu người, cũng trở thành một phần của sự thay đổi công nghệ này. Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Đông Nam Á sẽ có 59 triệu xe điện 2 – 3 bánh và 8,9 triệu xe điện 4 bánh vào năm 2025. Con số này tương đương khoảng 20% lượng xe chở khách lưu thông trên đường.
Giảm lượng khí thải carbon
Các trung tâm thành phố nhộn nhịp ở khu vực Đông Nam Á được biết đến là nơi có điều kiện giao thông đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Những luồng khói bụi từ ống xả của các phương tiện đi lại, đặc biệt trong những giờ cao điểm, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài.
Jakarta, thành phố đông dân nhất Đông Nam Á, có chất lượng không khí tệ nhất trong khu vực do những phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel. Một nghiên cứu của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia cho thấy, 58% các chứng bệnh của người dân sống trong thành phố có liên quan đến ô nhiễm không khí. Với nhu cầu sử dụng xe ôtô ngày càng tăng, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn. Ước tính số lượng xe được sở hữu cá nhân trong khu vực sẽ tăng hơn 40% vào năm 2040.
Tuy nhiên, xe điện có thể thay đổi tất cả. Những phương tiện này, bao gồm xe ôtô điện hybrid [sử dụng cả động cơ đốt trong và động cơ điện], làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon giải phóng vào môi trường. So với những chiếc xe ôtô truyền thống thải vào không khí các hợp chất có hại cho sức khỏe như carbon dioxide, carbon monoxide và nitơ oxit, xe ôtô điện chạy bằng pin gần như không tạo ra khí thải.
Xu hướng phát triển xe điện trong khu vực
Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Frost and Sullivan, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy xe điện đang trở nên phổ biến đối với những người tham gia giao thông ở Đông Nam Á, đặc biệt là các bạn trẻ dưới 40 tuổi. Phần lớn những người quan tâm đến việc mua xe điện sống ở Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Trong khu vực, 2/3 số người tiêu dùng tham gia khảo sát chọn tiêu chuẩn an toàn là yếu tố quan trọng nhất khi mua xe điện, tiếp đến là sự thuận tiện của việc sạc điện cho xe. Yếu tố chi phí kém quan trọng hơn, là khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua xe điện thay vì một chiếc xe ôtô thông thường khi so sánh giá cả trong cùng phân khúc.
Tuy nhiên, việc giảm giá sẽ khuyến khích nhiều người dân sử dụng xe điện, có đến 3/4 người tham gia khảo sát sẵn sàng chuyển từ xe ôtô thường sang xe điện nếu được miễn thuế. Các yếu tố khác có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang mua xe điện như lắp đặt các trạm sạc tại khu chung cư (70%), dành làn đường ưu tiên cho xe điện (56%) và đỗ xe miễn phí (53%).
Để tăng cường sự chấp nhận của người dân đối với xe điện, Chính phủ của các quốc gia trong khu vực đã ban hành một số chính sách và lộ trình thực hiện. Singapore và Thái Lan đang đi đầu trong bước chuyển đổi này nhằm phát triển các phương tiện chạy bằng điện.
Singapore bắt đầu cuộc hành trình sử dụng xe điện kể từ năm 2011 như một chiến lược quan trọng để giảm thiểu lượng khí thải carbon từ ngành giao thông vận tải. Tháng 12/2017, Singapore ra mắt dịch vụ chia sẻ xe điện đầu tiên với 80 xe ôtô và 30 trạm sạc điện.
Để thúc đẩy sử dụng xe điện, Chính phủ Thái Lan đã soạn thảo “Kế hoạch Thúc đẩy Xe điện cho Thái Lan” nằm trong “Kế hoạch Phát triển Năng lượng Thay thế Thái Lan giai đoạn 2012 – 2021”. Kết quả là Thái Lan xuất phát từ việc có 60.000 xe ôtô chở khách hybrid và 8.000 xe máy điện được đăng ký năm 2014, tăng lên mức 102.308 xe ôtô hybrid và 1.394 xe điện chạy pin vào năm 2017. Với các doanh nghiệp trong nước sản xuất xe điện, Thái Lan quyết định miễn thuế doanh nghiệp trong 8 năm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất dòng xe lai hybrid, thời gian miễn thuế là 3 năm. Máy móc dùng để sản xuất dòng phương tiện này được miễn thuế nhập khẩu.
Các quốc gia khác như Indonesia, Việt Nam và Philippines cũng có những bước tiến đầy hứa hẹn. Indonesia thiết lập một lộ trình quốc gia cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô vào đầu năm nay, nhắm mục tiêu đạt 2,1 triệu đơn vị xe điện hai bánh như xe máy điện và 2.200 đơn vị xe 4 bánh vào năm 2025. Ngoài ra, Indonesia đã công bố kế hoạch ngừng bán xe sử dụng xăng và dầu diesel vào năm 2040.
Hãng sản xuất xe ôtô đầu tiên của Việt Nam, Vinfast, đưa ra kế hoạch phát triển dòng xe điện của riêng mình. Vinfast tuyên bố họ sẽ sản xuất 250.000 xe máy điện mỗi năm cũng như ra mắt mẫu xe ôtô điện trong những năm tới.
Tại Philippines, Hiệp hội Xe điện Philippines (EVAP) trong năm 2014 đặt mục tiêu có một triệu xe điện chạy trên đường vào năm 2020. Hiệp hội này đã làm việc với chính phủ để phát triển một lộ trình cho xe điện. Bộ Năng lượng Philippines (DOE) cũng hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để chế tạo loại xe ba bánh chạy bằng điện (e-trike) sử dụng công nghệ pin lithium-ion. Dự án nhằm mục đích giảm lượng tiêu thụ xăng dầu hằng năm của ngành giao thông vận tải xuống 2,8%, và cắt giảm lượng khí thải CO2 ước tính khoảng 259.008 tấn/năm bằng cách chuyển sang sử dụng 100.000 xe điện ba bánh e-trike.
Các chuyên gia nhận định rằng, xe điện nhiều khả năng sẽ trở thành tương lai của ngành giao thông vận tải tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp xây dựng thành phố thông minh. Khi các khoản đầu tư và nhu cầu về xe điện trong khu vực tiếp tục tăng lên, cùng với chính sách phù hợp của các chính phủ, chúng ta có thể nhìn thấy những chiếc xe điện “bảo vệ môi trường” xuất hiện phổ biến trên đường phố trong tương lai gần.