Sự xuất hiện công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ đã tước bớt quyền lực của các nước OPEC, khiến giá dầu liên tục lao dốc. Việc giá dầu thô giảm mạnh 2 năm liên tiếp với mức giảm 35% năm 2015 có liên quan tới cuộc cách mạng dầu đá phiến.

Công nghệ khai thác dầu đá phiến đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự. Ảnh: Xpatnation
Công nghệ khai thác dầu đá phiến đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự. Ảnh: Xpatnation

Đột phá công nghệ làm thay đổi cuộc chơi

Ngày 18/1/2016, giá dầu thô giảm còn 27USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2003. Nếu con số đó còn chưa đủ ấn tượng thì thống kế tiếp theo sẽ khiến bạn giật mình: Từ giữa năm 2014, loại dầu này đã giảm tới hơn 2/3 giá trị.

Đây sẽ không chỉ là một đợt thăng - giáng đơn thuần như một biến động bình thường trong lịch sử ngành khai thác dầu. Tất cả bắt nguồn từ cuộc cách mạng trong công nghệ khai thác dầu đá phiến của người Mỹ.

Thay vì khai thác theo phương pháp hầm lò truyền thống, đầu thế kỷ 21 Mỹ phát minh ra phương pháp khoan ngang - dùng kỹ thuật thủy lực bơm một hỗn hợp gồm cát, nước và hóa chất xuống giếng ngang với áp lực cao để phá vỡ cấu trúc địa chất.

Dầu và khí sẽ theo đường khoan di chuyển lên mặt đất trước khi được tách lọc.

Nhờ công nghệ mới cộng với chính sách thuế hỗ trợ, Mỹ sở hữu trữ lượng dầu đá phiến lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 62%). Từ chỗ là nước nhập khẩu dầu lớn nhất, phụ thuộc vào nguồn cung là Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ đã trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, tổng sản lượng dầu thô quy đổi (dầu thô và các khí thiên nhiên dạng lỏng) của Mỹ đạt 11,5 triệu thùng/ngày, đứng đầu thế giới.

“Với cuộc cách mạng đá phiến, Mỹ sẽ thay thế Vương quốc Arập Saudi để trở thành nước nắm vận mệnh giá dầu trên thế giới” - Bob Dudley - Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí BP (Anh) - cho biết.

Với sự vươn lên mạnh mẽ của Mỹ, quyền lực đáng sợ của OPEC sẽ bị suy giảm mạnh. OPEC vẫn có thể nâng sản lượng sản xuất để đưa giá dầu đi xuống, nhưng giờ đây họ không còn khả năng cắt giảm lượng khai thác để đẩy giá dầu lên nữa.

Giá dầu sẽ tiếp tục giảm?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá dầu liên tục giảm sâu thời gian qua là kết quả chiến lược của các nước OPEC nhằm đối phó với dầu đá phiến nhằm bảo vệ thị phần.

Quả thật, “chiêu” này khiến dầu đá phiến gặp khó khăn lớn. Các công ty phải cắt giảm sản lượng, hàng loạt công ty phá sản bởi ngưỡng có lãi của dầu đá phiến là khi giá dầu đạt 65USD/thùng.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ phải cắt giảm sản lượng khoảng 570.000 thùng/ngày trong năm 2016.

Trong tương lai gần, nhiều nhà sản xuất sẽ phá sản, nhưng mọi việc sẽ không diễn ra theo hướng sụp đổ ngành công nghiệp dầu đá phiến. Thay vì làm giảm bước tiến của dầu giá rẻ, tốc độ cải tiến công nghệ lại càng được tăng tốc.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ nhanh chóng làm cho hoạt động sản xuất trở nên hiệu quả hơn. Kết quả là giá thành sản xuất và chi phí cho các giếng dầu mới đang giảm xuống. Hiện tại, một số công ty dầu đá phiến đã giảm được một nửa chi phí sản xuất của họ.

Trên thực tế, công nghệ mới và việc áp dụng các kỹ thuật khai thác dữ liệu lớn (big data) trong vận hành khai thác dầu hiện đã đem lại những kết quả không ngờ.

Theo một nghiên cứu của Viện Manhattan (Mỹ), các cải tiến dựa trên kỹ thuật khai thác dữ liệu lớn có thể sẽ giúp ngành công nghiệp dầu đá phiến cạnh tranh sòng phẳng với dầu truyền thống của các nước OPEC ở ngưỡng chỉ khoảng 15-20USD/thùng.

Những người cho rằng tình trạng giá dầu liên tiếp giảm thấp đánh dấu ngày tàn của công nghiệp dầu đá phiến có lẽ đã đánh giá quá thấp khả năng sáng tạo, cắt giảm chi phí và sức cạnh tranh của các nhà sản xuất theo công nghệ mới này.

Và như vậy, thời kỳ giá dầu ở mức 100USD/thùng như 5 năm trước có lẽ đã vĩnh viễn là quá khứ.