Vừa qua câu chuyện trí tuệ nhân tạo Google đã đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới thực sự khiến cho không ít người ngỡ ngàng, bởi cái cách mà trí tuệ nhân tạo chiến thắng con người thực sự quá hoàn hảo….

Cần trí tuệ nhân tạo

Một chương đáng nhớ trong lịch sử phát triển ngành trí tuệ nhân tạo đã được viết vào ngày 9-3-2016, khi phần mềm AlphaGo của nhóm Google DeepMind giành 4chiến thắng trong tổng số 5 trận trước huyền thoại cờ vây Lee Se-dol đến từ Hàn Quốc. Theo The Verge, cuộc so tài sáng 9-3 đã diễn ra vô cùng căng thẳng và kéo dài 3 giờ 28 phút 28 giây trước khi Lee Se-dol đầu hàng đối thủ từ Google. “Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi không nghĩ mình sẽ thua nhưng cũng không ngờ AlphaGo có thể chơi một ván đấu hoàn hảo đến vậy”, Lee phát biểu sau trận đấu. Cờ vây là loại hình đối kháng cổ xưa của Trung Quốc và là một trong những thử thách lớn nhất được đặt ra trong quá trình phát triển trí thông minh nhân tạo. Trong khi máy tính đã thắng được những kỳ thủ giỏi nhất trong cờ vua và cờ đam, thì thử thách với môn cờ vây vẫn là giới hạn mà trí thông minh nhân tạo chưa thể vượt qua trước khi có AlphaGo. Trong năm ngoái, phần mềm của Google đã đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu Fan Hui. Mỗi khi thắng một đối thủ mạnh, AlphaGo càng trở nên thông minh hơn nhờ cơ chế tự học của mình. Nhưng khác với Fan Hui, Lee Se-dol ở một đẳng cấp hơn hẳn. Được biết, AlphaGo chỉ mới được DeepMind, một nhóm phát triển phần mềm của Google có trụ sở tại Anh tạo ra trong khoảng 10 năm nay. Trước khi chạm trán Lee Se-dol, AlphaGo đã đấu hàng trăm ván cờ với các kỳ thủ từ hạng thấp đến hạng chuyên nghiệp và phần mềm này cũng tự học được tất cả những tình huống, nước đi hay qua mỗi trận đấu.

Đến lúc này không chỉ các nhà khoa học mà ngay cả những người không có chuyên môn sâu cũng bắt đầu muốn tìm hiểu xem trí tuệ nhân tạo là gì mà có thể chiến thắng được con người, sinh vật được xem là có trí thông minh nhất trên thế giới. Khái niệm trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI) được xem như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. AI là một bộ phận của khoa học máy tính và do đó nó phải được đặt trên những nguyên lý lý thuyết vững chắc, có khả năng ứng dụng được của lĩnh vực này. Những nguyên lý này bao gồm các cấu trúc dữ liệu dùng cho biểu diễn tri thức, các thuật toán cần thiết để áp dụng những tri thức đó, cùng các ngôn ngữ và kỹ thuật lập trình dùng cho việc cài đặt chúng. Cho đến nay, trí tuệ nhân tạo vẫn còn là một ngành khoa học trẻ, những mối quan tâm và những phương pháp của nó chưa được rõ ràng so với tất cả các ngành khoa học đã trưởng thành trước đó. Song, một trong những mục tiêu trọng tâm của nó là quan tâm đến việc mở rộng khả năng của khoa học máy tính hơn là tìm cách định nghĩa những giới hạn của nó.

Mặc dù được xem là một ngành khoa học non trẻ, nhưng trong lịch sử loài người, khái niệm về trí tuệ nhân tạo đã được manh nha hình thành từ đầu thế kỷ 17, nhà khoa học René Descartes đã đưa ra quan điểm rằng cơ thể của động vật chỉ là các cỗ máy tinh xảo. Năm 1642 Blaise Pascal chế tạo chiếc máy tính cơ học đầu tiên. Charles Babbage và Ada Lovelace đã nghiên cứu về các máy tính cơ học có khả năng lập trình được. Bertrand Russell và Alfred North Whitehead đã xuất bản cuốn Principia Mathematica, trong đó logic hình thức đã được cách mạng hóa. Warren McCulloch và Walter Pitts xuất bản cuốn “A Logical Calculus of the Ideas Immanent in Nervous Activity” năm 1943 đặt nền móng cho mạng nơ-ron. Thập niên 1950 là thời kỳ của nhiều hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. John McCarthy thiết lập thuật ngữ “artificial intelligence” trong hội thảo đầu tiên dành cho chủ đề này. Ông còn sáng chế ngôn ngữ lập trình Lisp. Alan Turing đưa ra “Turing test” như là một phương pháp kiểm chứng hành vi thông minh. Joseph Weizenbaum xây dựng ELIZA, một chatterbot cài đặt liệu pháp tâm lý Rogerian. Trong các thập niên 1960 và 1970, Joel Moses biểu diễn sức mạnh của suy diễn ký hiệu trong việc tích hợp các bài toán trong chương trình Macsyma, chương trình toán học sử dụng cơ sở tri thức đầu tiên thành công. Marvin Minsky và Seymour Papert xuất bản Perceptrons, trong đó chứng minh các giới hạn của các mạng nơ-ron đơn giản và Alain Colmerauer phát triển ngôn ngữ lập trình Prolog. Ted Shortliffe biển diễn sức mạnh của các hệ thống sử dụng luật để biểu diễn tri thức và suy diễn trong các chẩn đoán và liệu pháp y học trong một chương trình mà đôi khi được gọi là hệ chuyên gia đầu tiên. Hans Moravec phát triển chiếc xe đầu tiên được máy tính điều khiển tự động vượt chướng ngại vật. Thập niên 1980, mạng nơ-ron được sử dụng rộng rãi với thuật toán truyền ngược, thuật toán này đã được mô tả đầu tiên bởi Paul John Werbos vào năm 1974. Thập niên 1990 đánh dấu các thành tựu chính trong nhiều lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo và được thể hiện trong nhiều ứng dụng đa dạng. Nổi tiếng nhất là Deep Blue, một máy tính chơi cờ vua đã thắng Garry Kasparov trong một trận đấu 6 ván nổi tiếng năm 1997. Cơ quan nghiên cứu của bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) tuyên bố rằng chi phí tiết kiệm được do cài đặt các phương pháp trí tuệ nhân tạo cho việc lập lịch cho các đơn vị trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất đã bù lại được toàn bộ đầu tư của Chính phủ Mỹ cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo kể từ thập niên 1950.

Hình ảnh Lee Se-dol rời đi với vẻ mặt căng thẳng sau màn đấu trí hơn ba giờ đồng hồ với trí tuệ nhân tạo AlphaGo. Ảnh tư liệu

Sự lo ngại

Trong những câu chuyện hay bộ phim giả tưởng người ta đã mường tượng tới cuộc chiến giữa con người với máy móc, mà điều kỳ lạ đặc biệt là những thứ máy móc đó được điều khiển bởi một hệ thống máy tính kết nối với một phần mềm hoàn hảo như trí tuệ nhân tạo từng được nghiên cứu để phục vụ con người. Nhà khoa học Thomas Linkel, tới từ trường ĐH NewYork đã khẳng định, với tiến bộ của khoa học công nghệ, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu kỷ nguyên tiếp theo là thế giới của robot. “Người máy sở hữu "trí tuệ nhân tạo" (AI) ngày càng thông minh hơn. Nhưng thử nghĩ xem, nếu một ngày chúng ta không thể kiểm soát được những "bộ óc máy" này nữa thì thế giới con người khi đó sẽ ra sao?”, Thomas Linkel chia sẻ. Rõ ràng, không khó để có thể tưởng tượng về một kịch bản ngày tận thế bởi chính những "đứa con" máy móc được tạo ra bởi con người. Trong thực tế, sau những phi vụ thâu tóm Boston Dynamics – công ty chuyên chế tạo những dự án người máy liên quan đến DARPA, công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind cùng nhiều nhà sản xuất robot khác của Google, thì mối lo ngại về thế giới của những "bộ óc máy" này ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhà phát minh tỷ phú, Elon Musk bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đến sự phát triển của những "trí tuệ nhân tạo". Viết trên Twitter của mình vào cuối tuần trước, Musk cho biết: "Chúng ta phải vô cùng cẩn thận với AI. Chúng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân. Nhưng thật không may, xét theo sự phát triển thực tế, chúng ta đang ngày càng giống vai trò như những bước đệm cho sự thống trị của siêu trí tuệ nhân tạo số tương lai". Nếu chiếu theo so sánh của Elon Musk, tương lai của thế giới con người quả thật đang vô cùng tăm tối. Chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thống trị của những vũ khí nguy hiểm bậc nhất trên trái đất, trong khi chính chúng ta lại là tiền thân tạo ra mối nguy hiểm đó.

Trí tuệ nhân tạo liệu có thể mang lại mối nguy cho nhân loại trong tương lai như những bộ phim viễn tưởng?

Ngoài ra, đây cũng không phải lần đầu tiên Elon Musk cảnh báo về sự nguy hiểm của AI. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi đầu năm nay, Musk từng nói rằng, chúng ta phải vô cùng cẩn trọng khi phát triển những hệ thống như vậy. Thêm vào đó, ông còn cho biết thêm, siêu AI có thể sẽ là dấu chấm hết cho kỷ nguyên thống trị của con người. Trong thực tế, trên thế giới vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khác so với suy nghĩ của Musk. Ray Kurzweil, chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phát triển tương lai của Google, cho biết trong một buổi phỏng vấn đầu năm, "Theo quan điểm của tôi, con người sẽ không bao giờ bị vượt qua bởi các AI, bởi chính chúng ta cũng đang "tự cường" bản thân từng ngày. Mọi việc đều vẫn đang nằm trong sự kiểm soát". Nói chung, sự phát triển quá nhanh của các "trí tuệ nhân tạo" cũng dấy lên trong con người những mối lo lắng nhất định. Mặt lợi có được thì cũng sẽ có những mặt hại đi kèm theo. Tốt nhất, chúng ta hãy cứ tin tưởng vào những thành tựu khoa học có được nhưng cũng cần đề phòng với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, như trong bộ phim "Kẻ hủy diệt" đã từng cảnh báo.

Cùng với quan điểm này, các chuyên gia tại ĐH Cambridge, Anh đang xem xét những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tương lai nhân loại tiềm ẩn đằng sau những công nghệ siêu thông minh đang “lũ lượt” chào đời. Huw Price, giáo sư Triết học tại ĐH Cambridge cho biết: “Trong trường hợp phát minh ra trí tuệ nhân tạo, có lẽ sự tồn tại của con người trong những thế kỷ tiếp theo sẽ không còn phụ thuộc vào các yếu tố sinh học”. Lo ngại về điều đó, Giáo sư Price đang lên kế hoạch khởi động một trung tâm nghiên cứu trong năm tới, nhằm tập trung vào những nguy hiểm có thể xảy ra do trí thông minh nhân tạo mang lại. Nếu thành công, trung tâm nghiên cứu của Giáo sư Price sẽ hoạt động với sự hỗ trợ của Martin Rees, Giáo sư vũ trụ và vật lý thiên văn ĐH Cambridge và Jann Tallinn, một trong những nhà sáng lập Skype. Theo đó, Giáo sư Price muốn con người chú ý nhiều hơn đến tương lai với những loại “máy tính không nguy hiểm nhưng vẫn giúp ích cho con người”. Trên thực tế, mối đe dọa “nổi loạn” từ những loại máy tính thông minh sẽ không chỉ tồn tại trong các bộ phim viễn tưởng mà có thể trở thành sự thật, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp siêu thông minh đang đạt được những bước tiến khá xa. Trong thời gian rất ngắn kể từ khi con người phát minh ra máy tính, chúng giúp nhân loại đạt được những bước tiến dài trên con đường chinh phục công nghệ. Hơn nữa, sự ra đời của những loại robot thông minh, đủ khả năng hoạt động mà không cần tới sự điều khiển của con người đang ngày càng phổ biến. Khả năng tự động hóa mang lại những tiện ích không thể chối cãi cho nhân loại nhưng nhiều người lo ngại, công nghệ siêu thông minh sẽ trở thành con dao 2 lưỡi cho chính sự tồn tại của con người. Nhiều người cho rằng những lo lắng của Giáo sư Price là điều xa vời nhưng ông lập luận, công nghệ tiên tiến có thể trở thành mối đe dọa khi những bộ não siêu thông minh bắt đầu biết hướng tới những nguồn lực có lợi cho riêng mình. Điều nguy hiểm là con người không thể biết khi nào những công nghệ siêu tối tân đạt được điều đó và nhân loại có kịp trở tay trước sự thay đổi của máy tính hay không.