Thị trường kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật đang thay đổi chóng mặt khi những tiến bộ về công nghệ giúp giới nghệ sỹ quảng bá và bán các sản phẩm trực tuyến thông qua những phòng trưng bày ảo.

Cơn bão phòng trưng bày trực tuyến

Xu hướng kinh doanh trực tuyến các tác phẩm nghệ thuật đang phát triển như vũ bão. Từ các hội chợ tranh quốc tế lớn có tính toàn cầu như Art Basel, Frieze đến những triển lãm mới nổi như Asia Contemporary Art Show đều mọc lên như nấm các phòng trưng bày ảo.

Theo báo cáo năm 2015 của hãng kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến Hiscox (Anh), thị trường tranh trực tuyến toàn cầu tăng trưởng chóng mặt về giá trị - từ 1 tỷ USD năm 2013 lên tới 2,64 tỷ USD năm 2014.

 Công nghệ giúp các tác phẩm tiếp cận công chúng sâu rộng hơn. Ảnh: Artfuturesgroup.com
Công nghệ giúp các tác phẩm tiếp cận công chúng sâu rộng hơn. Ảnh: Artfuturesgroup.com

Theo giới chuyên gia, các kênh trực tuyến đang mang đến cách thức tiếp cận hoàn toàn khác cho họa sỹ mới nổi và khách hàng có thể tương tác với các nghệ sỹ thành danh. Nhờ sự phát triển của công nghệ, cách thức mua tranh này đang được rất nhiều người quan tâm.

Lâu nay, số phòng trưng bày luôn nhỏ hơn nhiều so với số họa sỹ, nên họ rất khó được góp mặt ở đó. Ví dụ, ở Hồng Kông, các phòng tranh tổ chức trưng bày khoảng 10 lần một năm, nhưng các sự kiện đó thường kết thúc nhanh chóng và tranh bị cất vào kho. “Trước đây, các tác phẩm nghệ thuật sau trưng bày sẽ phải nằm im trong kho rất lâu. Internet tạo cơ hội cực kỳ lớn để mang chúng đến với người quan tâm” - Mark Sauderson, Giám đốc Asia Contemporary Art Show - cho biết.

Giám đốc quản lý quốc tế về thương mại điện tử của nhà đấu giá Christie’s nói: “Khi nhu cầu sưu tầm tranh và mua các mặt hàng nghệ thuật xa xỉ của khách quốc tế gia tăng, kênh trực tuyến sẽ là cách thức duy nhất đáp ứng được. Bởi lẽ, các gian trưng bày vật lý đòi hỏi khách hàng phải có mặt tại triển lãm”.

Niềm tin - yếu tố then chốt

Tuy khách hàng dễ dàng mua được tác phẩm ưng ý với thao tác kích chuột, ông Robert Read - thuộc hãng Hiscox - cho rằng hình thức này nên được xem là bổ sung chứ không phải thay thế phòng tranh thực. “Các khảo sát cho thấy, 91% số người mua tranh trực tuyến từng mua tại một phòng trưng bày hay nhà đấu giá ngoài đời thực. Điều này chứng tỏ không gian tranh vật lý vẫn giữ vai trò quan trọng đối với việc định hướng niềm tin của khách” - Robert Read nói.
Niềm tin là trở ngại không thể tránh khỏi trong việc mua bán tranh trực tuyến. Cũng theo Hiscox, 82% số người được khảo sát cho rằng việc không thể kiểm tra không gian trưng bày thực là một trở ngại. Điều này một phần xuất phát từ cách thức mua tranh truyền thống, khi khách muốn trải nghiệm tác phẩm theo nghĩa “sờ tận tay”.

“Sự tin tưởng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khách hàng và càng đặc biệt quan trọng khi liên quan đến các mặt hàng xa xỉ” - Auerbach Christie cho hay. Ngoài ra, các phòng tranh, nhà đấu giá còn phải thiết lập được thương hiệu uy tín mới có thể tăng số lượng tranh bán ra. Hãng Christie’s bắt đầu bằng việc mở hai gian đấu giá tranh trực tuyến năm 2011. Nhờ tạo được thương hiệu uy tín, năm 2015 hãng đã có 75 gian hàng đấu giá trực tuyến.

Đầu tư công nghệ giúp tăng cường trải nghiệm

Để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, các phòng trưng bày ảo phải được đầu tư công phu về kỹ thuật số, tạo cơ hội trải nghiệm các tác phẩm như ngoài đời thực. Ví dụ, trên trang web của Asia Contemporary Art Byuer, ảnh tác phẩm có độ phân giải rất cao, cho phép khách hàng thu, phóng tùy ý, các chi tiết cực kỳ sắc nét. Các tùy biến còn giúp khách hàng so sánh việc sắp xếp tranh ở trong nhà với các đồ vật, người cũng như các bức tranh khác.

Christie’s cũng cung cấp những trải nghiệm tương tự, thậm chí còn đăng chi tiết tất cả thông tin về tình trạng tác phẩm, xuất xứ, quá trình vận chuyển, chi phí ước tính, bảo hiểm…

“Khách hàng hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với các chuyên gia uy tín, lâu năm của chúng tôi trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, vận chuyển… để biết thêm chi tiết. Chúng tôi sẽ lập tức cung cấp những thông tin họ cần” - ông Auerbach nói.

Chưa hết, theo ông Sauderson, các ứng dụng di động như chat video có thể giúp khách hàng cảm nhận tác phẩm như đang xem trong triển lãm. Với việc tăng cường đầu tư nền tảng kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, các chuyên gia tin rằng số tiền đổ vào kênh này sẽ ngày càng nhiều.

“Có 46% số người mua tranh đã chi 10.000 bảng (tương đương 300 triệu đồng) hoặc nhiều hơn vào việc mua tranh trực tuyến. Dự kiến đến năm 2019, thị trường nghệ thuật trực tuyến sẽ có giá trị lên tới 6,3 tỷ USD” - báo cáo của Hiscox cho biết.