Và người khổng lồ với hơn 60.000 nhân viên toàn cầu này, đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi và bắt tay với các doanh nghiệp khởi nghiệp để không bị bỏ lại trong cuộc đua công nghệ.
Một bức ảnh hơn ngàn lời nói
Roland Keller, phụ trách bộ phận đổi mới sáng tạo của tập đoàn bưu chính Thụy Sĩ – Swiss Post, đưa ra một bức ảnh chụp khán giả của một chương trình thi đấu thế thao. 99% mọi người đều đang hào hứng xem với một cái điện thoại thông minh trên tay, có thể họ đang chụp ảnh, quay phim hoặc đang truyền hình trực tiếp. Chỉ có mỗi một bà cụ, đang hạnh phúc và bình an tập trung xem bằng đôi mắt của mình.
Ông nói: “Đó, bà cụ đó là mẫu khách hàng truyền thống của chúng tôi. Đang ngày càng ít dần đi. Nên giờ mà chúng tôi không ứng dụng công nghệ mới, thì đâu có lựa chọn khác ngoài việc đi ra rìa cuộc chiến… Amazon, một công ty bán lẻ trực tuyến, giờ giao hàng gần như miễn phí, đánh trực tiếp vào công ăn việc làm chính của chúng tôi. Các ứng dụng chuyển tiền từ điện thoại cũng ăn dần vào dịch vụ chuyển tiền tại cửa hàng bưu điện của SwissPost…”.
Vậy là họ thay đổi, và với một chiến lược đúng, một cách làm đúng, họ lại vượt lên phía trước. Bằng chứng, Swiss Post là công ty đầu tiên trên thế giới được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ bay không người lái (drone) cho dịch vụ thương mại, đi trước tất cả những đơn vị đã thử nghiệm dịch vụ này từ lâu mà chưa thương mại hóa được. Mô hình đổi mới sáng tạo sáu bước trong doanh nghiệp của Swiss Post đưa ra nhiều gợi ý thú vị cho doanh nghiệp Việt.
Ralland Keller. Ảnh: Trần Nguyên
Đổi mới sáng tạo với sự cẩn trọng và đúng quy trình
Nói đến Thụy Sĩ, thì có hai tố chất quan trọng nhất: cẩn trọng, chi tiết và đúng quy trình. Đó là cách mà ngành tài chính ngân hàng cũng như sản xuất đồng hồ của họ là… vô địch thế giới. Bởi vậy, nói như Rolland, đưa đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp, vẫn phải tuân theo các nguyên tắc “rất Thụy Sĩ” này.
Bước đầu tiên, là việc tìm kiếm các xu hướng vận động của công nghệ, từ đó, định hình việc thứ hai là nghiên cứu về các vấn đề mà có thể hệ thống khách hàng của doanh nghiệp đang gặp phải. Bước thứ ba, là tìm ra một hoặc nhiều giải pháp cho vấn đề này. Tiếp theo, xây dựng thử một sản phẩm có thể phù hợp với thị trường. Sau bước thứ năm, xây dựng mô hình kinh doanh từ sản phẩm này và cuối cùng là tạo ra doanh thu mới từ quy trình này.
Mô hình sáu bước này, là tổng hợp của rất nhiều giải pháp khác nhau. Chẳng hạn, cứ mỗi 6 tháng một lần, họ tổ chức một chương trình tìm kiếm ý tưởng sản phẩm / dịch vụ mới cho công ty một lần. Sẽ có khoảng 400 ý tưởng tham gia mỗi kỳ, cả từ bên trong nội bộ lẫn bên ngoài, đặc biệt là đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các vườn ươm là đối tác của Swiss Post. Tiếp theo là quá trình lượng giá ý tưởng, thông qua đó có thể phối hợp để ươm tạo sản phẩm, thử nghiệm thị trường và tăng tốc.
“Tóm lại là chúng tôi vận hành việc đổi mới sáng tạo của mình gần như hoàn toàn theo mô hình khởi nghiệp, cố gắng cắt giảm các quy trình phức tạp nhất của mình tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tính ổn định của công việc. Một trong những điểm thú vị là luôn phải dịch chuyển những cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo để chuyển sang bộ phận ươm tạo, và tìm người khác lắp vào chỗ trống đó. Nhưng nếu quá trình cải tiến sản phẩm mới không thành công, thì chúng tôi chưa biết phải làm sao với nhân sự đã dịch chuyển đi này…” - Rolland cười.
Một tiếp cận khác về khởi nghiệp
Nguyên tắc quan trọng nhất mà Swiss Post, cũng như tất cả các doanh nghiệp Thụy Sĩ khác luôn tuân thủ, là phải lấy khách hàng làm trung tâm, liên tục hỏi ý kiến khách hàng. Họ lập ra một website tên là posh.ch/early để giới thiệu đầy đủ những sản phẩm đang còn trong vòng thử nghiệm của mình, để khách hàng nào tò mò có thể vào xem để đăng ký sử dụng thử nghiệm.
Đó có thể là một loại thiết bị tự động giúp thông tin tới bưu điện về nhu cầu gửi thư báo, để từ đó dịch vụ bưu chính biết mà tính toán lộ trình đến lấy thư. Đó có thể là loại xe buýt không người lái đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Đó có thể là sản phẩm giao hàng bằng drone…
“Tất cả đều là sản phẩm của các bạn khởi nghiệp, cả trong lẫn ngoài công ty chúng tôi. Công ty lập ra một bộ phận đầu tư, có cả tiền công ty và tiền cá nhân của họ, để ngồi nghe các ý tưởng, thấy khả thi thì đầu tư tiền và cơ sở vật chất để ươm tạo. Họ muốn thì có thể mở công ty riêng. Còn các công ty khởi nghiệp bên ngoài nếu phù hợp, có thể đến để sử dụng hệ thống cơ sở của chúng tôi để thử nghiệm thị trường, nếu phù hợp thì chúng tôi cũng… mua lại luôn” - Rolland có vẻ hào hứng vì việc chuyển sang làm “nhà đầu tư” khởi nghiệp của mình.
Cuối buổi gặp, ông nhắc đi nhắc lại: “Nhớ gửi thư cho tôi, nhớ giới thiệu những startup tốt của Việt Nam cho chúng tôi. Chúng tôi tuyệt đối tin rằng, không thể có đổi mới sang tạo nếu không có hợp tác, đối tác”.