Câu chuyện một doanh nhân ngành dược mò mẫm tìm kiếm và “gặp” được công nghệ sản xuất nano curcumin của Viện Hoá học là kỷ niệm vui về một mối nhân duyên may mắn, nhưng cũng cho thấy Việt Nam quá thiếu “bà mối” trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Hoạt chất chống ung thư curcumin trong củ nghệ được sản xuất dưới dạng nano là một trong những kết quả nghiên cứu được chuyển giao, thương mại hoá thành công của Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Công nghệ nano nâng tầm tinh nghệ
Viện Hóa học bắt đầu nghiên cứu công nghệ nano từ những năm 1990 do nhận thấy vai trò quan trọng của nó trong y, dược học. Từ năm 2005, khi bằng sáng chế đầu tiên trên thế giới về nano curcumin được cấp, việc nghiên cứu về nó trở thành trào lưu toàn cầu với 254 bằng sáng chế, 24% liên quan đến điều trị ung bướu.
PGS-TS Phạm Hữu Lý - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Curcumin có nhiều hoạt tính quý như chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, làm lành tổn thương, tiêu diệt gốc tự do, chống ung thư. Thách thức lớn nhất là curcumin ít tan trong nước, dùng đường uống chỉ hấp thu 2-3% vào máu nên để đạt hiệu quả, bệnh nhân ung thư phải dùng liều 12-20gr mỗi ngày - tương đương 4kg nghệ tươi - nên rất khó áp dụng. Công nghệ nano phá vỡ rào cản đó. Curcumin ở dạng nano làm tăng sinh khả dụng nhiều lần, giúp giảm liều”.
Nano curcumin của Viện Hoá học đã khẳng định hiệu quả chống ung thư trên nhiều dòng tế bào ung thư tại Trung tâm Ung thư thực nghiệm, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS Lý tiết lộ, chất lượng nano curcumin phụ thuộc nhiều yếu tố như hàm lượng curcumin trong hạt nano, kích thước hạt nano, khả năng hòa tan trong nước. Hạt nano của viện có hàm lượng curcumin trên dưới 20% (các sản phẩm khác cùng loại thường chỉ đạt 8-10%); kích thước ổn định, thâm nhập dễ dàng qua màng tế bào để phát huy hiệu quả; độ hòa tan tăng 8.000-10.000 lần so với curcumin thường.
“Có nhiều công nghệ sản xuất nano curcumin, nhưng chúng tôi chọn công nghệ micell, gói các curcumin vào nhân của nó. Gần đây, các nhà khoa học Đức mới bắt đầu nghiên cứu ứng dụng này và cũng khẳng định công nghệ micell là tiên tiến nhất” - ông Lý nói.
GS Nguyễn Khánh Trạch - Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam - cho biết nano curcumin của Viện Hoá học được đánh giá hoạt tính sinh học, tác dụng dược lý trong một thời gian dài. Công nghệ micell giúp curcumin được hấp thu tới 90% vào máu, xâm nhập tốt vào các tế bào, ổn định nồng độ trong máu và đem lại hiệu quả gấp 40 lần tinh nghệ thường.
Doanh nghiệp đi tìm kết quả nghiên cứu
Nano curcumin của Viện Hoá học đã được chuyển giao cho Công ty dược mỹ phẩm CVI sản xuất với tên thương mại CumarGold. Sự gặp gỡ của bên có và bên cần công nghệ trong trường hợp này là một câu chuyện tình cờ may mắn.
Suốt nhiều năm, ThS Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT của CVI - ấp ủ chuyện nội địa hoá nguồn dược liệu nhờ nghiên cứu trong nước. Ông kể: “Khi đang học Đại học Dược, thấy nhiều nghiên cứu giá trị về dược liệu của các thầy nghiệm thu xong cất ngăn kéo hoặc chuyển giao với giá rẻ mạt, tôi ước mơ xây dựng một doanh nghiệp dược phát triển sản phẩm từ dược liệu sẵn có trong nước, áp dụng khoa học để nâng tầm thảo dược truyền thống”.
Trong bối cảnh năng lực và nguồn lực cho nghiên cứu của doanh nghiệp quá nhỏ, chỉ có cách đi tắt là tìm các đề tài khoa học có tiềm năng để hợp tác chuyển giao, hoặc đặt hàng các nhà khoa học. Cách này tận dụng được “chất xám” của giới nghiên cứu, rút ngắn quá trình phát triển sản phẩm mới, đem lại giá trị gia tăng cho cả doanh nghiệp, nhà khoa học, bệnh nhân lẫn nông dân nuôi trồng dược liệu, tránh tận thu dược liệu quý từ môi trường.
Ông Hiệu đã mò mẫm qua hàng chục trường đại học, trung tâm nghiên cứu về dược học, bào chế, hóa học, thực vật học, dược liệu, các thầy thuốc y học cổ truyền... nhằm săn lùng cơ hội hợp tác. Ông cũng lục lọi tài liệu trên mạng và ở hàng chục thư viện để tìm các đề tài có tiềm năng. Và một ngày, ông “gặp” đề tài về nano curcumin của Viện Hoá học.
Nhưng gặp gỡ chỉ là bước đầu. Việc tiếp theo không đơn giản. Ông Hiệu kể: “Công ty mới thành lập, nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm thực tiễn chưa có nên thuyết phục các nhà khoa học chuyển giao thành quả nghiên cứu đầy tâm huyết và được đầu tư lớn của họ là việc vô cùng gian nan. Nếu không có nhiệt huyết, sự am hiểu và trân trọng thành quả của họ, sự chân thành trong hợp tác thì sẽ không thể thuyết phục được các nhà khoa học rằng việc chuyển giao đề tài không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà còn vì các mục tiêu xã hội”.
Và thực tế của các cuộc hợp tác thành công cho thấy, một mối nhân duyên được tác thành giữa doanh nghiệp và nhà khoa học đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.