Nhiều công nghệ hiện đại của thế giới như bêtông dự ứng lực, công nghệ dây văng… đã được áp dụng vào Việt Nam và được các cán bộ kỹ thuật tiếp cận. Những cây cầu dây văng Nhật Tân, cầu Rồng… chính là thành quả của việc làm chủ các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Bằng chứng sống của khả năng làm chủ công nghệ
Tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành giao thông vận tải (GTVT) giai đoạn 2011-2015 ngày 21/6, PGS-TS Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ GTVT - cho biết hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn quản lý, điều hành và xây dựng, giám sát các công trình giao thông có nhiều khởi sắc.
Nhiều công trình đã ứng dụng thành công công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: Cầu dây văng Nhật Tân, cầu Rồng, nút giao ngã ba Huế, các đường ôtô cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cảng Tân Vũ - Lạch Huyện, cửa Lạch Giang. Việc chế tạo các sản phẩm tàu thủy cỡ lớn từ 100.000-150.000 tấn, các sản phẩm công nghiệp và sửa chữa ôtô, cơ khí đường sắt... cũng cho thấy sự khởi sắc của KH&CN trong ngành.
“Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong xây dựng cầu. Công nghệ bêtông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m, đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo cho chiều dài vượt nhịp từ 40-70m đã được chuyển giao vào Việt Nam. Nhiều cây cầu ứng dụng công nghệ này với thời gian thi công bằng 2/3 trước đây, chứng tỏ độ thuần công nghệ của tư vấn, nhà thầu trong nước” - TS Hà nhấn mạnh.
Trong công nghệ đóng tàu, Việt Nam đã ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong đóng mới và sửa chữa tàu biển đặc chủng cỡ lớn. Các kỹ sư trong nước đã có thể đóng con tàu 53.000 tấn, tàu chở nhựa đường trọng tải 3.000-5.000 tấn. Nhiều công nghệ tiên tiến trong chế tạo tàu dầu, tàu container, giàn khoan và các công trình trên biển đã được các nhà khoa học trong nước làm chủ.
Tuy nhiên, PGS-TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT - cho rằng, nhìn vào kết quả báo cáo sẽ thấy công tác KH&CN của ngành phát triển chưa đồng đều trong các lĩnh vực, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nước ngoài ngày càng lớn.
“Thực tế công trình ứng dụng nhiều kết cấu mới đã bắt đầu được chúng ta làm chủ, nhưng nhiều công nghệ khác vẫn còn khoảng cách rất lớn, như ôtô, máy bay gần như không làm được mà chỉ tham gia vài chi tiết nhỏ. Ngay cả những công nghệ mới trong xây dựng công trình, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc. Ví dụ như hệ thống đường sắt đô thị gần như chúng ta không tiếp cận được nhiều. Hệ thống phương tiện đường sắt như các đoàn tàu dù không phải hiện đại, nhưng chúng ta cũng chưa thể tiếp cận công nghệ và làm chủ” - TS Khuê nói.
Thay đổi để làm chủ thực sự
Từ thực tế đó, ông Khuê cho rằng cần xác định rõ KH&CN phải làm được những việc gì; cái gì phải tự làm, cái gì cần chấp nhận đi mua. Để đạt được điều đó, tập hợp đội ngũ và xây dựng cơ quan khoa học của ngành là vấn đề rất lớn. “Con người là yếu tố quyết định. Đội ngũ hiện có rất hùng hậu nhưng bị phân tán, thiếu sự phối hợp. Nên bắt đầu ngay bởi con người là vốn quý nhất” - TS Lã Ngọc Khuê kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đây là đánh giá xác đáng vì nhìn nhận cả chặng đường 2011-2015, có thể thấy đội ngũ KH&CN từ các viện, trường, doanh nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế nhưng vẫn còn mang tính chất riêng lẻ, thiếu tính liên kết.
Ông Đông thừa nhận các cán bộ khoa học kỹ thuật ngành GTVT tiếp cận và làm chủ công nghệ rất nhanh, kể cả xây dựng cầu nhịp lớn, cầu dây văng tương đương với khu vực và thế giới. Sau một công trình, cán bộ Việt Nam đã có thể tiếp cận và làm chủ. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ vẫn là con số khiêm tốn. Đây cũng chính là lý do khiến mức độ chủ động trong sản xuất ôtô, tàu hay máy bay còn hạn chế. “Tỷ lệ nội địa hóa phụ thuộc nhiều thứ, ví dụ cơ khí muốn nội địa hóa phải có thép, rất nhiều vật liệu cần có từ công nghiệp hỗ trợ nhưng hiện vẫn thiếu vắng” - ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KH&CN trong ngành, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã vạch ra các yêu cầu cụ thể: Ưu tiên những nhiệm vụ khoa học phục vụ hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tăng cường vai trò của KH&CN trong việc tăng năng suất, hạ giá thành; quản lý chất lượng công trình xây dựng, sản phẩm công nghiệp giao thông, chất lượng dịch vụ vận tải, an toàn giao thông.