Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, ông Nguyễn Minh Muôn - Phó Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, giảng viên cao cấp ĐH Kiến trúc HN - cho biết, vách kính toà nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng có hệ số nhận nhiệt bức xạ mặt trời cao gấp đôi tiêu chuẩn.

Lượng nhiệt lọt vào nhà gấp 2,3 lần quy chuẩn

Trong các số báo 34, 35 (ra ngày 18/8 và 25/8), Báo Khoa học và Phát triển đã đăng ý kiến của nhiều chuyên gia về nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tình trạng nóng và thiếu ôxy ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng (người dân vẫn gọi là tháp bắp). Để đánh giá chính xác thực trạng toà nhà, mới đây Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã tổ chức giám định toà cao ốc này.

Toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Cao Thái

Ông Nguyễn Minh Muôn - chuyên gia được cục mời tham gia đoàn giám định - tiết lộ, hệ thống điều hoà không khí để làm mát toà nhà đã được tính toán và thiết kế đúng với công suất 18.000 tấn lạnh; chỉ cần lưu ý thêm việc chăm sóc, bảo trì và điều khiển hệ thống này. Ví dụ như ở một vài tầng, giải nhiệt gió bị đặt trong không gian kín, cần mở cửa sổ cho thông thoáng.

Phó Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết, vấn đề chính nằm ở phần vỏ của “bắp ngô” này. Tòa nhà bọc bằng kính của hãng Saint Gobain/Shanghai Yaohua Trung Quốc, theo catalogue là kính hộp Low-E bán cường lực 6mmHS+12A+6mm. Việc kiểm tra kính cho thấy, hệ số SHGC là 0,46 - vượt 2,3 lần so với tiêu chuẩn quy định là 0,2. Do đó, lượng nhiệt bức xạ mặt trời xuyên vào trong nhà cũng lớn gấp 2,3 lần quy chuẩn.

“Với bức xạ mặt trời Đà Nẵng vào tháng 7, lúc 14h, nhiệt độ mặt trong kính có thể lên đến hơn 40 độ C. Bức xạ nhiệt từ mặt trong kính đã gây ra sự khó chịu do cảm giác nóng - lạnh không đều trên cơ thể bởi nhiệt độ không khí được duy trì ở mức 25 độ C. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây khó chịu và ngột ngạt do sự bất đối xứng về phân bố nhiệt độ trong phòng tạo ra” - ông Muôn lý giải.


Cần có thêm vách cách nhiệt bên trong

Ông Nguyễn Minh Muôn cho rằng, để khẳng định toà nhà có thực sự thiếu khí và nóng hay không, cần đo các thông số vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, gió, nồng độ CO2…) trong một tầng nhà điển hình chứ không thể nói một cách cảm tính, vì nếu căn phòng được thiết kế cho 10 người mà tập trung tới 20 người thì nóng và ngạt là đương nhiên.

Tuy nhiên, việc sử dụng loại kính Low-E có chỉ số SHGC quá cao rõ ràng đã khiến toà tháp bắp nhận lượng nhiệt bức xạ mặt trời nhiều hơn cần thiết. Ông Muôn đề xuất hai giải pháp khắc phục. Một là ngăn thêm một bức vách cách nhiệt bên trong các vách kính hiện nay (cách 30cm để chắn bức xạ nhiệt) hoặc che bớt 50% diện tích vách kính bằng cách ốp thêm lớp tôn lạnh ở mặt trong. Hai là áp dụng tường kính hai lớp (Double Skin Curtain Wall) kiểu lam chắn nắng (Sun Louver).

“Hai giải pháp nêu trên chỉ được tiến hành ở mặt trong toà nhà nên hoàn toàn không ảnh hưởng tới cái gọi là vẻ đẹp bên ngoài mà người thiết kế mong muốn” - ông Muôn nói.

Ông Nguyễn Minh Muôn tiết lộ, ngay từ năm 2008, ông và các giáo sư Đài Loan đã nhận định, ở xứ nóng, nhà có diện tích vách kính lớn là “sát thủ ngành năng lượng”. Nếu muốn áp dụng kiến trúc này, cần sử dụng kính Low-E (low-emissisity - độ phát xạ thấp nhờ phủ một lớp kim loại hoặc ôxít kim loại đặc biệt, trong suốt) có hệ số HSGC dưới 0,2. Do công nghệ sản xuất phức tạp nên giá kính Low-E chất lượng tốt rất đắt, khoảng 200-400USD/m2. Việc chọn kính có hệ số SHGC bao nhiêu tuỳ thuộc vào diện tích vách kính. Theo quy chuẩn QCVN 09:2013, diện tích lắp kính càng lớn, hệ số SHGC càng phải nhỏ.

Giải thích về cơ chế giảm nhiệt của kính Low-E, ông Muôn cho biết, Mặt trời phát ra bức xạ sóng ngắn, bức xạ này không gây nóng nhưng nếu tiếp xúc với đồ vật, nó sẽ chuyển thành bức xạ sóng dài và mang nhiệt lượng. Mùa hè, kính Low-E cho bức xạ sóng ngắn truyền qua nhưng cản phần lớn bức xạ sóng dài, làm giảm 25-49% nhiệt lượng. Mùa đông, nó cho bức xạ sóng ngắn vào nhà để chuyển thành bức xạ sóng dài, làm ấm không khí, đồng thời ngăn bức xạ sóng dài thoát ra. Cách lắp đặt kính Low-E tuỳ thuộc vào khí hậu. Ở xứ nóng, lớp phủ phải quay ra ngoài và ngược lại.